Một trong những thỏa thuận an ninh là cùng đối phó các nhóm vũ trang đóng tại Pakistan, thường gây ra những vụ tấn công chết chóc ở Ấn Độ.
Theo Reuters, 2 nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải để bảo đảm sự tự do đi lại trên biển - bước đi được cho là nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng khiến các nước châu Á - Thái Bình Dương lo ngại trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau hôm 30-9
Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, cuộc gặp không mang lại đột phá cho những bất đồng vốn cản trở quan hệ 2 nước thời gian qua, nhất là vấn đề thương mại và hợp tác hạt nhân.
Ấn Độ khiến Mỹ thất vọng khi từ chối ký vào gói thỏa thuận cải cách thủ tục hải quan giữa các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do lo ngại an ninh lương thực của mình bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, thỏa thuận hạt nhân dân sự mà 2 nước đạt được năm 2005 vẫn chưa được thực thi do những tranh cãi về trách nhiệm pháp lý và kỹ thuật. Hai bên đã đồng ý thành lập một nhóm tiếp xúc nhằm tìm giải pháp cho những tranh cãi này.
Đối với ông Modi, phần quan trọng nhất của chuyến công du Mỹ có lẽ là cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp nước chủ nhà. Phát biểu tại một cuộc gặp như thế ở Washington hôm 30-9, ông Modi cho biết đang nỗ lực giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện hạ tầng và môi trường kinh doanh để thu hút nhà đầu tư.
Theo báo The Wall Street Journal, nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh Mỹ là một phần không thể thiếu trong chính sách “hướng Đông - kết phương Tây” của Ấn Độ. Ở chiều ngược lại, Washington xem New Delhi có vai trò quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Obama, cũng như đánh giá 2 nước là “đối tác tự nhiên”.
Bình luận (0)