Ông Wang Weijing – một giám đốc làm việc tại Ba Lan cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc và một cựu quan chức phản gián cấp cao của Ba Lan có tên Piotr Durbajlo đã bị bắt giữ trong tháng này và bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.
Sau khi bị bắt giữ, ông Wang đã bị Huawei sa thải. Tuần rồi, ông vừa đưa ra một tuyên bố qua các luật sư của mình, phủ nhận tất cả cáo buộc.
Ông Wang Weijing đã bị Huawei sa thải sau khi bị giới chức trách Ba Lan bắt giữ. Ảnh: wnp.pl
Một phần của cuộc điều tra nói trên – được phối hợp giữa Ba Lan và Mỹ - liên quan tới các sự kiện tại trường Đại học Kỹ thuật Quân sự danh giá của Ba Lan, nơi những sinh viên tốt nghiệp thường làm việc trong lĩnh vực quân sự và an ninh nhạy cảm. Ông Durbajlo là một giáo viên của trường này.
Theo thông tin từ Đại học Kỹ thuật Quân sự Ba Lan, ông Wang từng tới thăm trường này và Huawei kết hợp với trường tổ chức một cuộc thi gọi là "Gieo mầm tương lai". Trong những năm gần đây, nhiều sinh viên của trường chiến thắng trong cuộc thi này được phía Huawei chi trả các chuyến đi tới Trung Quốc, trong đó có 1 tuần tới trụ sở của công ty ở Thâm Quyến.
Theo lời giới chức Ba Lan, cuộc điều tra đã được tiến hành ít nhất 2 năm nói trên đang thúc đẩy giới chức trách nước này xem xét liệu sự hiện diện gia tăng của Bắc Kinh có khiến nước này dễ bị tổn hại về an ninh và tình báo hay không. Theo một số ước tính, Huawei đang chiếm gần 50% thị trường hạ tầng viễn thông Ba Lan.
"Trung Quốc hoạt động rất tích cực trong những năm qua"- một nhà lập pháp cấp cao của Ba Lan, người tiếp nhận báo cáo về điều tra nói trên, chia sẻ. "Để cho họ quá tự do, họ sẽ có quá nhiều không gian tự tung tự tác".
Theo Wall Street Journal, một mối lo ngại lớn đối với giới chức Ba Lan cũng như Mỹ là Trung Quốc có thể tiếp cận các thông tin tình báo mà đồng minh chia sẻ với Ba Lan, rồi chuyển nó cho Moscow.
Các quan chức cấp cao Mỹ nói rằng họ đang tìm cách cách để đẩy lùi quan hệ lấn sâu của các công ty Trung Quốc như Huawei trong nền kinh tế và cơ sở hạ tầng Ba Lan và các nước châu Âu khác.
"Chúng tôi đang tìm cách xử lý vấn đề này"- một quan chức Mỹ cấp cao am hiểm về khu vực, cho hay. Theo vị quan chức này, hạ tầng viễn thông lớn hơn đang đối mặt nguy cơ lớn khi hiện nay hạ tầng này của một số nước đã bị xâm nhập.
Trong những năm gần đây, chính phủ Ba Lan tích cực tìm cách thu hút đầu tư Trung Quốc. Giới chức Ba Lan cũng có phần kín tiếng về cuộc điều tra nói trên nhằm vào Bắc Kinh. Theo các nhà lập pháp Ba Lan, các vụ bắt giữ đối với họ Wang và Durbajlo cũng được xếp vào dạng bí mật vì lo ngại châm ngòi trả đũa của Trung Quốc. Tuy nhiên, các phiên tòa đối với hai nhân vật này chắc chắn sẽ gây chú ý.
"Cả thế giới sẽ theo dõi vụ này vì đã nổi lên một số đồn đại về hoạt động của Huawei nhưng chưa bao giờ có bằng chứng, ít nhất giới chức Mỹ chưa bao giờ đưa ra bằng chứng nào"- nhà lập pháp nói trên cho biết.
Cũng theo đó, giới chức Ba Lan đang tìm cách xác định bất cứ nhân vật nào nắm giữ vị trí chính phủ nhạy cảm có thể quan hệ với Trung Quốc.
Trong khi đó, cơ quan phản gián Ba Lan đang xem xét một số tổ chức của nhà nước mà ông Durbajlo từng phục vụ.
Bình luận (0)