"Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thư tới công ty dầu mỏ Eni SpA của Ý và công ty Repsol SA của Tây Ban Nha về việc cho phép họ vận chuyển dầu từ Venezuela tới châu Âu trong tháng tới" - hãng Reuters dẫn nguồn thạo tin ngày 6-6 cho biết.
Hai công ty năng lượng châu Âu này có liên doanh với công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA. Khối lượng dầu Venezuela mà Eni SpA và Repsol SA dự kiến nhận được có thể không lớn. Do đó, khả năng nó cũng không gây ra nhiều tác động tới giá dầu toàn cầu - nguồn thạo tin nhận định.
"Một điều kiện quan trọng là dầu nhận được từ Venezuela phải được vận chuyển tới châu Âu. Nó không được bán lại ở bất cứ thị trường nào khác" - vẫn nguồn thạo tin nói với Reuters.
Washington cũng tin rằng PDVSA sẽ không được hưởng lợi về mặt tài chính từ các giao dịch này giống như việc Venezuela đang bán dầu cho Trung Quốc.
Việc Washington bật đèn xanh để nối lại dòng chảy dầu từ Venezuela sang châu Âu có thể mang lại động lực thúc đẩy đáng kể đối với chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Moscow vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong đó có lệnh cấm vận dầu. Vì thế, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như hy vọng nguồn dầu thô của Venezuela có thể giúp châu Âu giảm bớt phụ thuộc vào Nga.
Mỹ cho phép nguồn dầu từ Venezuela tới châu Âu vào tháng 7 tới. Ảnh: Reuters
Động thái của Mỹ cũng cho thấy mối quan hệ giữa Washington với Caracas đang ấm dần lên. Venezuela hồi tháng 3 trả tự do cho ít nhất hai tù nhân Mỹ sau chuyến thăm tới Caracas của phái đoàn Washington, trong đó hai bên đã thảo luận về nguồn cung năng lượng.
Quan hệ giữa Mỹ- Venezuela vốn căng thẳng nhiều năm qua sau khi Washington dẫn đầu nhóm gần 60 quốc gia công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido và áp lệnh trừng phạt với chính quyền Tổng thống Maduro. Lệnh trừng phạt từ năm 2019 của Mỹ cũng đã ngăn các giao dịch dầu thô của Venezuela, vốn chiếm 96% nguồn thu của quốc gia Nam Mỹ này.
Bình luận (0)