Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong ngày 18-12 (giờ New York) bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
Tiếp tục phản đối
Dự thảo cũng kêu gọi tất cả các nước không vội vàng thiết lập các phái bộ ngoại giao ở Jerusalem. Reuters tiết lộ bản dự thảo - do Ai Cập soạn - không đề cập đích danh Mỹ hoặc Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, giới ngoại giao quả quyết dự thảo nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, lá phiếu phủ quyết của Mỹ là đủ để nó không được thông qua.
Ngay cả khi kịch bản trên diễn ra, cuộc bỏ phiếu chắc chắn sẽ cô lập Tổng thống Donald Trump hơn nữa liên quan đến chính sách về Jerusalem. Trước đó, bộ trưởng ngoại giao các nước Ả Rập đã nhất trí tìm kiếm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề Jerusalem.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 17-12 tiếp tục thách thức quyết định của ông Trump khi cho biết nước này có ý định mở đại sứ quán ở Đông Jerusalem, vốn được Ankara công nhận là thủ đô của nhà nước Palestine. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Ankara sẽ làm điều này thế nào bởi Israel đang kiểm soát toàn bộ Jerusalem và gọi thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của họ.
Một người Palestine bị thương trong cuộc đụng độ với binh sĩ Israel ở TP Gaza hôm 15-12 Ảnh: REUTERS
Ông Erdogan đưa ra thông báo trên sau khi cùng các nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo khác chỉ trích quyết định của Mỹ tại cuộc họp khẩn của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, gồm 57 thành viên, tại TP Istanbul hồi tuần rồi. Theo báo The Hill, hội nghị này kêu gọi thế giới chính thức chấp nhận Jerusalem là thủ đô bị chiếm đóng của nhà nước Palestine.
Lập trường của Washington về Jerusalem khiến cho chuyến công du Trung Đông dự kiến trong tuần này của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence càng thêm khó khăn. Một nhóm khoảng 30 người Palestine hôm 17-12 đã đốt các bức áp phích in hình ông Pence và ông Jason Greenblatt, đặc phái viên của ông Trump về Trung Đông ở Bethlehem. Ngay cả giới chức Palestine những ngày qua vẫn khẳng định phó tổng thống Mỹ không được chào đón và Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ không gặp gỡ ông, khiến Nhà Trắng đánh giá đây là động thái "không thích hợp".
Kết thúc "trò chơi bóng bàn"?
Căng thẳng giữa Israel và người Palestine càng dâng cao khi chính quyền ông Trump đổi lập trường về Jerusalem. Từ đêm 17 đến rạng sáng 18-12, Israel đã thực hiện một loạt cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Hamas ở Dải Gaza để trả đũa vụ bắn rốc-két vào lãnh thổ Israel từ vùng đất Palestine. Phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết máy bay Israel đã nhắm vào trại huấn luyện ở phía Bắc Dải Gaza, phá hủy 6 cơ sở thuộc về Hamas.
Đáp lại, các tay súng Palestine cũng tăng cường phóng rốc-két về phía Israel, trong đó có 3 quả từ Dải Gaza đêm 17-12. Quân đội Israel cho biết 2 quả trúng khu vực Hof Ashkelon bên trong Israel và 1 quả rơi xuống lãnh thổ do Hamas nắm quyền kiểm soát. Theo nhật báo The Times of Israel, vụ tấn công không gây thiệt hại gì và hiện chưa rõ vì sao các rốc-két không bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel. Trong khi đó, chưa tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ tấn công này. Vụ việc trên xảy ra 2 ngày sau khi 1 tên lửa được bắn về phía Israel nhưng lại trúng ngôi nhà của một gia đình người Ai Cập ở TP Beit Hanoun, phía Bắc Gaza.
Đối mặt sự leo thang căng thẳng nói trên, theo hãng tin Newsru ngày 17-12, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman tuyên bố Israel dự định kết thúc chuyện quân đội buộc phải đáp trả các vụ bắn rốc-két từ khu vực Gaza hằng tuần. Ông nhấn mạnh Israel sẵn sàng trước mọi kịch bản. "Trò chơi bóng bàn sẽ không còn nữa. Hamas cần phải chăm chú nhìn xem chuyện gì sẽ xảy ra tuần sau" - hãng tin Tass trích lời đe dọa của ông Liberman.
Bình luận (0)