Theo trang ABC (Úc), Triều Tiên không phải là một cường quốc. Dân số nước này chỉ vào khoảng 20 triệu người. Dù vẫn đối mặt với đói nghèo nhưng Triều Tiên đang từng bước trở thành một quốc gia hạt nhân.
Trong nhiều năm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và trước đó là cha và ông nội của ông Kim, tìm cách cải thiện vị thế của đất nước thông qua chương trình hạt nhân và tên lửa.
Năm 2005, tại vòng đàm phán hạt nhân với Mỹ và một số nước khác, một đặc phái viên Triều Tiên tuyên bố: "Lý do (Mỹ) tấn công Afghanistan là vì họ không có vũ khí hạt nhân. Và hãy nhìn những gì đã xảy ra với Libya. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân".
Ông Kim Jong-un công khai cho cả thế giới biết Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Ảnh: KCNA
Trên thực tế, Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh do cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 chỉ tạm kết thúc bằng một hiệp định đình chiến. Vì vậy, sự tồn vong của đất nước là tất cả những gì mà Bình Nhưỡng trăn trở.
Dốc nguồn lực vào phát triển quân đội, Triều Tiên hiện sở hữu đội quân lớn thứ 4 thế giới với khoảng 2 triệu binh sĩ. Và chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ huy động thêm hàng triệu người nếu xảy ra xung đột.
ABC cho biết Triều Tiên đang đặt gần 10.000 khẩu pháo nhằm vào thủ đô Seoul – Hàn Quốc. Một khi khai hỏa, hàng triệu người có nguy cơ thiệt mạng.
Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, sau đó là hàng loạt vụ thử nghiệm khác dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Không ai biết Bình Nhưỡng có bao nhiêu quả bom hạt nhân, chỉ biết rằng họ đã tăng cường khả năng tấn công tầm xa tới tận lục địa Mỹ hoặc Úc. Vụ thử ICBM hôm 29-11 đánh dấu cuộc thử nghiệm tên lửa có tầm bắn xa nhất từ trước đến nay.
Tên lửa do Triều Tiên phóng sáng 29-11 rơi xuống vùng đăc quyền kinh tế của Nhật Bản, chỉ cách bờ biển tỉnh Aomori của nước này 250 km. Ảnh: AP
Tạp chí The Atlantic đầu năm 2017 cảnh báo ICBM phóng từ Triều Tiên có thể tấn công TP Los Angeles – Mỹ trong vòng 30 phút.
Năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates thừa nhận việc Triều Tiên không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân và ICBM đang trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ. Những người kế nhiệm ông Gates - Leon Panetta, Chuck Hagel và Ashton Carter - đều nói như vậy.
Từ năm 2015, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhấn mạnh khả năng răn đe hạt nhân là "xương sống và khiên chắn cho an ninh quốc gia". Mỹ cùng một số cường quốc khu vực sau đó tìm cách đàm phán với Triều Tiên nhưng không thành công, ngay cả các biện pháp trừng phạt cũng không thu được kết quả.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng tuyên bố chấm dứt chính sách "kiên nhẫn chiến lược" với Bình Nhưỡng, dự định "giải quyết vấn đề" và mở ra lựa chọn quân sự.
Bình luận (0)