Người đàn ông nói trên tên Lý Tường, 36 tuổi, cư dân Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Theo tòa án, Lý Tường quản lý đường dây gian lận và vi phạm bản quyền khi điều hành trang web crack99.com, chuyên cung cấp phần mềm lậu và phần mềm đã bị bẻ khóa.
Các quan chức Mỹ nhận định đây là lần đầu tiên một công dân Trung Quốc bị kết án tội danh này. Công dân Trung Quốc nói trên đã ăn cắp phần mềm của 200 nhà sản xuất Mỹ. Tháng 6-2011, Lý Tường bị bắt ở đảo Saipan, thuộc vùng lãnh thổ của Mỹ, bị dẫn độ về bang Delaware và nhận tội hồi đầu năm.
Hoạt động mờ ám của Lý Tường bị để mắt khi liên tục hoạt thực hiện các giao dịch mua bán không minh bạch
từ tháng 1-2010. Ảnh: WORLDJOURNAL.COM
Các nhà chức trách Mỹ bắt đầu quan tâm đến các hoạt động mờ ám của Lý Tường khi người này liên tục thực hiện các giao dịch mua bán không minh bạch từ tháng 1-2010. Một năm rưỡi sau đó, các nhà chức trách Mỹ tìm đến Saipan để thu thập bằng chứng chống lại Lý Tường.
Khi đó, Lý Tường đã giao cho một doanh nhân người Mỹ 20GB dữ liệu bao gồm các phần mềm lậu và vi phạm bản quyền. Thông tin chi tiết các phần mềm do Lý Tường bán không được tiết lộ, chỉ biết rằng có các phần mềm liên quan đến các lĩnh vực như mô phỏng và thiết kế hàng không vũ trụ, quốc phòng, điện tử, năng lượng, cơ khí, vật liệu nổ, thu thập tình báo, khai thác, thăm dò không gian, toán học, sản xuất thiết kế nhà máy…
Nhiều khách hàng của Lý Tường đến từ những nước chịu lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với các sản phẩm phần mềm và buộc phải lựa chọn những phần mềm lậu đã bị bẻ khóa để tiếp cận các phần mềm chuyên ngành cao cấp. Trong số các khách hàng của Lý Tường còn có một kỹ sư điện tử người Mỹ làm việc cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), người đã sử dụng các phần mềm lậu để xây dựng hệ thống phân tích nhiệt độ trong sản xuất vật liệu cho Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vĩ (Huawei).
Thậm chí, một nhà thầu tự do sử dụng các phần mềm do Lý Tường cung cấp để xây dựng hệ thống tên lửa Patriot và sẽ rất nguy hiểm nếu mô hình này rơi vào tay các lực lượng khủng bố. Theo tòa án, Lý Tường thu được 100 triệu USD từ 700 giao dịch với 400 khách hàng. Điều đó có nghĩa là y nhận trung bình 140.000 USD mỗi giao dịch.
Bên cạnh cung cấp phần mềm lậu, Lý Tường bị nghi là một thành viên nằm trong mạng lưới lớn hơn của tin tặc Trung Quốc và Nga, chuyên bẻ khóa các phần mềm doanh nghiệp vì mục đích thương mại. Giới chức Mỹ cho biết Lý Tường sẽ bị trục xuất sau khi ra tù. Một báo cáo mới nhất của các nhà chức trách Mỹ cho biết hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ khiến Mỹ tổn thất khoảng 300 tỉ USD/năm, trong đó 50-80% vụ trộm cắp do Trung Quốc thực hiện.
Bình luận (0)