Quyết định trên nâng tổng viện trợ an ninh Mỹ dành cho Ukraine lên 1,2 tỉ USD kể từ tháng 1-2021 và 3,2 tỉ USD kể từ năm 2014.
Trong một bản ghi nhớ với Ngoại trưởng Antony Blinken, theo Reuters, Tổng thống Biden yêu cầu viện trợ 200 triệu USD cho quốc phòng Ukraine thông qua Đạo luật Viện trợ Nước ngoài.
Gói viện trợ này có thể được sử dụng để hỗ trợ về mặt vũ khí, cũng như huấn luyện và giáo dục quân sự nhằm giúp Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga.
Lầu Năm Góc hiện chưa bình luận về đợt viện trợ bổ sung nêu trên, cũng như loại vũ khí mà Ukraine sẽ nhận được.
Ukraine thời gian qua yêu cầu được bàn giao thêm vũ khí chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Sân bay quốc tế Philadelphia - Mỹ hôm 11-3. Ảnh: Reuters
Theo Lầu Năm Góc, lô khí tài gần đây nhất mà Mỹ viện trợ cho Ukraine hồi tháng 2 bao gồm vũ khí chống thiết giáp, vũ khí cỡ nhỏ, giáp cùng nhiều loại đạn khác nhau để hỗ trợ lực lượng phòng thủ tiền tuyến của Ukraine, bên cạnh các hệ thống phòng không.
Quốc hội Mỹ ngày 10-3 đã thông qua khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 13,6 tỉ USD cho Ukraine như một phần của gói chi tiêu 1.500 tỉ USD để tài trợ cho chính phủ Mỹ hoạt động đến hết tháng 9 năm nay.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12-3 cho biết "khoảng 1.300" binh sĩ Ukraine và "khoảng 12.000" binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24-2. Tỉ lệ là "1 đổi 10 nhưng điều này không làm tôi hài lòng", Tổng thống Zelensky nói thêm.
Nga ngày 2-3 cho biết họ mất khoảng 500 binh sĩ nhưng từ đó đến nay chưa cập nhật thương vong.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố quốc gia của ông sẽ chiến đấu đến cùng. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)