Các nước phương Tây vừa công bố đợt trừng phạt thứ 4 nhằm vào Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2. Trong số này, đáng chú ý nhất là nỗ lực thu hồi quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Mỹ, nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và EU.
Một bước đi như thế sẽ mở đường cho lệnh cấm nhập khẩu hoặc áp đặt thuế trừng phạt lên hàng hóa Nga. Ngoài ra, hàng hóa xa xỉ bị cấm xuất khẩu từ những nước này sang Moscow.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11-3 nhận định việc chấm dứt quan hệ thương mại bình thường sẽ là một đòn mạnh nữa giáng vào nền kinh tế Nga, khiến nước này khó kinh doanh với Mỹ và các nước khác vốn chiếm một nửa nền kinh tế toàn cầu.
Trong lúc đợi quốc hội phê chuẩn bước đi trên, Washington đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới khác. Bộ Thương mại Mỹ cho biết lệnh cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga và đồng minh Belarus có hiệu lực lập tức.
Chưa hết, Washington còn đóng cửa các quỹ phát triển và cấm nhập khẩu thủy sản, rượu vodka và kim cương Nga trong lúc ông Biden sẽ cấm các dự án đầu tư từ Mỹ vào nhiều lĩnh vực ở nước này.
Cũng trong ngày 11-3, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt lệnh trừng phạt một số doanh nhân và nghị sĩ Nga, cùng với 3 thành viên trong gia đình của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin chủ trì một cuộc họp về kinh tế ở thủ đô Moscow hôm 11-3.Ảnh: REUTERS
Riêng EU còn quyết định cấm nhập khẩu sản phẩm sắt thép từ Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết thêm EU đang xúc tiến việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại các tổ chức đa phương lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Trong khi đó, Anh áp đặt trừng phạt lên 386 thành viên Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, đồng thời tìm kiếm lệnh cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga.
Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt khó khăn do các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài, Nga đã thúc giục Ấn Độ tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.
Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên Ấn Độ Hardeep Puri hôm 11-3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này muốn gia tăng xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ sang Ấn Độ, cũng như New Delhi đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ của Moscow.
Theo báo The Hindu, ông Novak còn đề cập khả năng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Nga trong lĩnh vực năng lượng.
"Xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga sang Ấn Độ đã đạt 1 tỉ USD và hiện có cơ hội rõ ràng để gia tăng con số này. Chúng tôi quan tâm đến việc thu hút hơn nữa đầu tư của Ấn Độ vào lĩnh vực dầu khí của Nga và mở rộng mạng lưới bán hàng của những doanh nghiệp Nga ở Ấn Độ" - ông Novak nói với bộ trưởng Ấn Độ.
Ngoài Ấn Độ, Nga còn tăng cường hợp tác với Belarus để đối phó với làn sóng trừng phạt tại cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Alexander Lukashenko ở thủ đô Moscow hôm 11-3.
Bà Natalia Eismont, thư ký báo chí của Tổng thống Belarus, cho hãng tin BelTA biết 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí về những bước đi chung trong việc hỗ trợ lẫn nhau trước áp lực trừng phạt, trong đó có giá năng lượng. Ngoài ra, hai bên còn đồng ý tăng cường hợp tác quân sự, trong đó Nga cung cấp các mẫu thiết bị quân sự hiện đại cho Belarus trong tương lai gần.
Trang The Guardian nhận định việc Mỹ thu hồi quy chế "tối huệ quốc" dành cho Nga, nếu có, chủ yếu mang tính biểu tượng bởi nền kinh tế lớn nhất thế giới nhập khẩu chưa đến 30 tỉ USD hàng hóa từ Nga vào năm ngoái.
Trong khi đó, AP chỉ ra rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và than Nga được Mỹ công bố trong tuần này đã loại bỏ khoảng 60% mặt hàng Nga xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, theo số liệu của Nhà Trắng, các mặt hàng mới bổ sung vào danh sách cấm nhập khẩu hôm 11-3 chỉ mang lại khoảng 1 tỉ USD cho Nga.
Theo AP, quyết định liên quan đến quy chế thương mại sẽ không tác động sâu rộng ngay lập tức đến nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, phương Tây vẫn mong bước đi này, cộng với một loạt đòn trừng phạt khác, sẽ tăng sức ép lên Nga trong việc chấm dứt chiến dịch ở Ukraine và rút quân về nước.
Bình luận (0)