Ông Scott Franklin, người từng tham gia Hải quân Mỹ gần 3 thập kỷ và nay là thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nói: "Việc các phong trào như Taliban tiếp cận được vũ khí và thiết bị của Mỹ gây ra mối nguy hiểm lớn đối với người Mỹ, đồng minh của chúng ta và người dân Afghanistan. Mục tiêu của chính phủ Mỹ nên là không kích để phá hủy càng nhiều số vũ khí đó càng tốt và tiêu diệt bất kỳ thành viên Taliban hay IS nào cản đường".
Hồi tuần này, có báo cáo cho biết phần lớn các thiết bị do quân đội Mỹ bỏ lại có giá trị 85 tỉ USD và bao gồm 75.000 phương tiện, 200 máy bay, trực thăng và 600.000 vũ khí hạng nhẹ và vũ khí nhỏ. Các thiết bị khác bị Taliban chiếm dụng bao gồm kính nhìn ban đêm, áo giáp và vật tư y tế. "Giờ đây Taliban sở hữu nhiều trực thăng Black Hawk hơn 85% các nước khác trên thế giới" - trích lời nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Banks.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều lo ngại về việc những người Afghanistan làm việc cho các lực lượng đồng minh đang gặp nguy hiểm vì các thiết bị sinh trắc học có dấu vân tay, quét mắt và thông tin tiểu sử của họ cũng bị cho là bị bỏ lại.
Các tay súng Taliban ngồi trên chiếc Humvee sau khi giành quyền kiểm soát Kabul. Ảnh: NYT
Các nhà phân tích quân sự cho biết mặc dù không rõ Taliban đã chiếm được bao nhiêu thiết bị quân sự, con số này vẫn ít hơn so với số liệu của ông Banks. Quân đội Quốc gia Afghanistan không có hệ thống bảo trì và hậu cần hiệu quả, có nghĩa là họ không có cách nào để theo dõi những thiết bị nào còn hoạt động hay đã bị phá hủy, mất mát hoặc bị bán.
Mối quan tâm lớn nhất đối với quân đội phương Tây có lẽ là việc Taliban thu được số lượng đáng kể các thiết bị quang học và tầm nhiệt tiên tiến của súng trường. Hầu hết các tay súng Taliban sử dụng ống ngắm bằng sắt trên súng trường và thiếu khả năng nhìn ban đêm. Cho đến nay, điều này đã mang lại cho lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương một lợi thế đáng kể.
Trong 1 diễn biến khác, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cắt liên lạc với nhóm kháng chiến chống Taliban, Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF), kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan 2 tuần trước.
Một tay súng Taliban ngồi trên chiếc trực thăng Bell MD-530F. Ảnh: Joseph H. Dempsey
Ông Ali Nazary, người phụ trách quan hệ đối ngoại của NRF, nói với tờ Washington Examiner rằng họ đã cố liên lạc nhưng không nhận được phản hồi từ chính phủ Mỹ. "Họ biết chúng tôi ở đây nhưng chúng tôi không nhận được bất kỳ sự quan tâm nào. Lần cuối cùng tôi nói chuyện với Nhà Trắng là vào nhiều tháng trước" - trích lời ông Nazary. Ông nói thêm rằng thành trì kháng chiến ở thung lũng Panjshir, Đông Bắc Afghanistan, có thể được sử dụng để đảm bảo an toàn cho những người mắc kẹt tại Kabul.
Tình hình trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ cố gắng hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 31-8 và sơ tán nhiều công dân Mỹ và đồng minh Afghanistan nhất có thể. Nỗ lực sơ tán bị tạm ngừng vào ngày 26-8 sau khi 1 vụ đánh bom gần sân bay Kabul khiến gần 100 người thiệt mạng, trong đó có 13 quân nhân Mỹ. Các chuyến bay di tản được khôi phục vào sáng 27-8 (giờ địa phương).
Tính đến ngày 27-8, Mỹ đã sơ tán khoảng 105.000 người, gồm cả người Mỹ và người Afghanistan. Theo ước tính, vẫn còn khoảng 1.500 công dân Mỹ ở Afghanistan dù con số chính xác không được công bố.
Bình luận (0)