Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, cũng như nhiều quan chức tình báo Mỹ thực sự nghi ngờ Bình Nhưỡng sẽ trình làng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tại cuộc diễu binh kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Công nhân Triều Tiên sắp tới.
"Như chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần, Mỹ đặc biệt khuyến khích Triều Tiên quay trở lại con đường đối thoại và đàm phán, đồng thời kiềm chế mọi hành động khiêu khích. Đó là cách duy nhất nếu họ muốn tìm kiếm sự an toàn" - quan chức cấp cao của Nhà Trắng lưu ý.
Tên lửa đạn đạo Hwasong-14. Ảnh: Missile Threat
Việc trình làng tên lửa đạn đạo tầm xa mới một cách công khai như vậy cho thấy có sự thay đổi thế hệ trong công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng.
Các ICBM di động tầm xa hiện tại của Triều Tiên gồm Hwasong-14 và Hwasong-15 sử dụng nhiên liệu dạng lỏng. Mặc dù các ICBM này có tính cơ động nhưng nhiên liệu lỏng của chúng đòi hỏi thời gian chuẩn bị lâu hơn vì vũ khí thông thường không thể để ở trạng thái tiếp nhiên liệu, do tính chất ăn mòn và dễ bắt lửa của các hóa chất được sử dụng.
Tên lửa đạn đạo Hwasong-15. Ảnh: Free3D
Tên lửa đạn đạo tầm xa mới sử dụng nhiên liệu rắn có ưu điểm là có thể ở trạng thái tiếp nhiên liệu và sẵn sàng tấn công. Do đó, chúng có thể được khởi động nhanh hơn. Điều này sẽ cho phép các ICBM của Bình Nhưỡng thực sự hoàn toàn cơ động, khiến chúng khó bị phát hiện và tiêu diệt hơn trong một cuộc xung đột quân sự.
Tất nhiên, điều này không gây sốc cho những người theo dõi Triều Tiên dày dạn kinh nghiệm, vì nước này đã thử nghiệm các hệ thống tên lửa nhiên liệu rắn một thời gian.
Ngoài ra, vào tháng 12-2019 Triều Tiên tuyên bố họ đang chuẩn bị một "món quà Giáng sinh" cho Mỹ. Nhiều nghi vấn đặt ra "món quà" có thể là một vụ phóng tên lửa hoặc tiết lộ một nền tảng tên lửa mới, điều chưa bao giờ thành hiện thực.
Cùng trong tháng 12-2019, Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm một động cơ tên lửa mới. Nhiều nghi ngờ nó có thể hoạt động dựa trên công nghệ nhiên liệu rắn.
Chỉ vài tuần sau đó, Triều Tiên tuyên bố rằng họ sẽ trình làng một loại "vũ khí chiến lược" mới vào năm 2020. Nhiều chuyên gia quân sự theo dõi Triều Tiên cho rằng những từ ngữ như vậy ám chỉ một ICBM mới dựa trên nhiên liệu rắn.
Một tiết lộ như vậy có thể được sử dụng để báo hiệu sức mạnh của Triều Tiên cho bất kỳ ai chiến thắng trong cuộc bầu tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020.
Mỹ cảnh báo lệnh trừng phạt về chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên
Ngày 1-9, Washington đã đưa ra lời cảnh báo rằng các doanh nghiệp hoặc cá nhân liên quan đến việc phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể bị trừng phạt.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hành động phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Cục An ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí (ISN) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài tại Bộ Ngân khố, Cục Thương mại Mỹ đã cùng ban hành một danh sách cấm mua bán các công nghệ, vật liệu liên quan đến việc sản xuất tên lửa đạn đạo Triều Tiên, dài 19 trang.
Trong danh sách này nêu chi tiết các nguồn cung cấp chính được sử dụng trong chương trình phát triển ICBM của Triều Tiên và danh sách các cá nhân và tổ chức chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trong một thông cáo báo chí: "Việc Triều Tiên tiếp tục nỗ lực mở rộng khả năng tên lửa đạn đạo gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sự ổn định của cả khu vực và toàn cầu". Đồng thời cáo buộc Triều Tiên tiến hành các vụ thử hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vi phạm Nghị quyết An ninh của Liên Hiệp Quốc.
Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi khu vực tư nhân tiếp tục cảnh giác với những nỗ lực của Triều Tiên trong việc mua lại các công nghệ và thiết bị liên quan đến tên lửa, bao gồm các hạng mục cụ thể được xác định trong danh sách này. Họ cần nhận thức được các rủi ro trừng phạt mà các cơ quan chức năng của Mỹ và Liên Hợp Quốc cảnh báo, ngay cả vô tình mua bán liên quan đến tên lửa đạn đạo của Triều Tiên".
Bình luận (0)