Văn phòng Công nghệ Quan trọng và năng lực tấn công nhanh của Lục quân Mỹ (RCCTO) chủ trì chương trình này. Mục tiêu được đưa ra là General Atomics và Boeing sẽ phát triển vũ khí laser năng lượng cao 300 kW, giúp quân đội Mỹ có thể đánh chặn tên lửa mà không cần phóng đạn.
Theo Hãng thông tấn Sputnik, Tập đoàn General Atomics sẽ chịu trách nhiệm phát triển tia laser, trong khi Tập đoàn Boeing sẽ tìm cách tích hợp bộ điều khiển chùm tia vào tia laser khuếch đại 300 kW.
Ông Scott Forney, Chủ tịch Tập đoàn General Atomics, cho biết: "Nguyên mẫu hệ thống vũ khí laser theo hợp đồng được thiết kế nhỏ gọn, công suất cao, Hệ thống này sẽ tạo ra năng lượng lớn nhất từ trước đến nay, so với các loại vũ khí laser từng được biết đến tại Mỹ trước đây".
Hai tập đoàn General Atomics và Boeing phát triển hệ thống laser năng lượng cao 30kW cho quân đội Mỹ. Ảnh: General Atomics
Năm 2014, Hải quân Mỹ đã triển khai hệ thống laser 30 kW và năm 2020 họ đã trình diễn hệ thống 150 kW. Hệ thống laser 300 kW sẽ là một bước tiến lớn trong công nghệ. Công nghệ này được xem là cần thiết để bắt kịp với các hệ thống tên lửa siêu thanh đang phát triển nhanh chóng của các đối thủ, trong đó có Trung Quốc.
Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, ông John Hyten, cho biết: "Họ đã thực hiện hàng trăm vụ thử tên lửa siêu thanh. Các nhà khoa học cho rằng những tên lửa này "bất chấp quy luật vật lý" và có khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Sự phát triển của tia laser 300 kW có tác dụng phòng thủ trước những mối đe dọa từ đường đạn này".
Chủ tịch Tập đoàn General Atomics, ông Forney, lưu ý: "Công nghệ này cho thấy bước tiến nhảy vọt về khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không. Đồng thời việc phát triển công nghệ này là cần thiết để hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa của quân đội, đánh bại các mối đe dọa thế hệ tiếp theo trong không gian".
Hoạt động thông qua pin và lưới điện, các hệ thống phòng thủ laser này có tính cơ động cao, mang lại cho Mỹ lợi thế phòng thủ quan trọng trước tên lửa siêu thanh của đối phương.
Bình luận (0)