Kế hoạch nâng cấp quả bom nguyên tử B61 - được Mỹ thiết kế với mục đích đối phó với Liên Xô – đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các nhà lập pháp và các chuyên gia. Họ cho rằng chính phủ vừa lãng phí tiền của, vừa làm cho nỗ lực đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí với Nga thành “xôi hỏng bỏng không”.
Nguyên bản bom hạt nhân B61... Ảnh: Wikipedia
... và phiên bản cải tiến B61-12. Ảnh: blogs.fas.org
Bác bỏ ý kiến trên, các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng cần phát triển bom hạt nhân B61 để loại bỏ những vũ khí khác, đồng thời vẫn duy trì được sức mạnh của Mỹ trên mặt trận quân sự. “B61 là vũ khí duy nhất trong kho dự trữ có khả năng đáp ứng cả hai mặt chiến thuật và chiến lược" - Tướng Robert Kehler, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược, phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội vào tuần rồi.
B61 là vũ khí hạt nhân “chiến thuật” được không quân Mỹ sử dụng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Quả bom có 5 phiên bản được chế tạo với sức công phá từ 0,3-360 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT). Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Washington đã đưa hàng ngàn vũ khí hạt nhân chiến thuật ra khỏi châu Âu, nhưng vẫn còn để lại 180 quả bom B61 tại các căn cứ của NATO ở Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kế hoạch nâng cấp của Tổng thống Barack Obama sẽ tạo ra một phiên bản bom hạt nhân hoàn toàn mới, tên gọi B61 -12 với trọng lượng nhẹ hơn, độ chính xác cao hơn và có thể “ngốn” của Lầu Năm Góc số tiền lên đến từ 10-12 tỉ USD. Quá trình hiện đại hóa cũng giúp chính phủ Mỹ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình, trong đó có việc khai tử B83, loại bom nguyên tử mạnh nhất hiện nay.
Bình luận (0)