Trong cuộc thảo luận diễn ra vào đêm 19-1, các thượng nghĩ sĩ không thông qua dự luật mở rộng ngân sách đến ngày 16-2. Dự luật này cần 60/100 phiếu thuận để được thông qua nhưng chỉ có được sự ủng hộ của 50 thượng nghị sĩ.
Hầu hết các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đều phản đối dự luật chi tiêu này vì nó không "đính kèm" các nội dung bảo vệ khoảng 700.000 người nhập cư trẻ tuổi đến Mỹ từ bé, được gọi là Dreamer. Tổng thống Donald Trump và các lãnh đạo phe Cộng hòa đều bác bỏ nội dung liên quan đến các "dreamer".
Nỗ lực thương lượng gấp rút của lãnh đạo phe đa số (Cộng hòa) Mitch McConnell và lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số Chuck Schumer vào những phút cuối cùng trước nửa đêm đều không thành công, khiến chính phủ Mỹ chính thức hết tiền hoạt động.
Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney trả lời phỏng vấn. Ảnh: Reuters
Quá trình đóng cửa bắt đầu vào ngày 20-1, đúng 1 năm sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông chủ Nhà Trắng liền đổ lỗi cho phe Dân chủ.
"Đêm nay, họ đặt chính trị lên trên an ninh quốc gia, gia đình các quân nhân, trẻ em và khả năng phục vụ người dân của đất nước ta. Chúng tôi sẽ không thảo luận tình trạng của người nhập cư bất hợp pháp trong khi phe Dân chủ giữ những công dân hợp pháp làm con tin cho những yêu cầu liều lĩnh của họ. Đây là hành động cản trở của những kẻ thua cuộc, không phải của các nhà lập pháp" - trích thông báo của Nhà Trắng.
Đáp lại, ông Schumer chỉ trích trực diện Tổng thống Trump. "Gần như chính ông là người khơi mào vụ đóng cửa này. Mọi sự đổ lỗi nên dồn lên vai Tổng thống Trump".
Thiệt hại 24 tỉ USD/ngày
Nếu dự luật ngân sách không được thông qua, hàng chục cơ quan liên bang khắp nước Mỹ sẽ không thể hoạt động và hàng trăm ngàn nhân viên liên bang "không cần thiết" bị buộc nghỉ không lương.
Theo thống kê của công ty dịch vụ tài chính Standards & Poor's, lần ngừng hoạt động cuối cùng của chính phủ vào năm 2013 khiến Mỹ thiệt hại 24 tỉ USD (khoảng 1,5 tỉ USD/ngày).
Nhiều bộ và cơ quan Mỹ đã công bố kế hoạch ứng phó trong trường hợp chính phủ đóng cửa từ ngày 19-1. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Patrick Shanahan cho biết các đơn vị quân sự Mỹ trên thế giới sẽ không bị ảnh hưởng, bao gồm cuộc chiến tại Afghanistan và các chiến dịch đang diễn ở Iraq và Syria. Tất cả các nhiệm vụ đang triển khai vẫn tiếp tục như bình thường.
Nhân viên dân sự với bộ quốc phòng, những người được xếp vào nhóm cần thiết cho các hoạt động "ngoại lệ", cũng sẽ làm việc. Tuy nhiên, cả 2 nhóm này đều không được nhận lương đến khi sự kiện đóng cửa kết thúc.
Các nhân viên dân sự không cần thiết của bộ sẽ được nghỉ. Trong lần ngừng hoạt động năm 2013, khoảng 400.000 trong số 800.000 nhân viên dân sự đều phải nghỉ nhưng vẫn được trả lương sau khi chính phủ hoạt động trở lại.
Hoạt động của Văn phòng Công tố viên Đặc biệt chịu trách nhiệm điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ không bị gián đoạn vì cơ quan này được cấp ngân sách thông qua một khoản phân bổ không giới hạn.
Về phần Bộ Ngoại giao, bắt đầu từ ngày 22-1, cơ quan này sẽ cho nghỉ các nhân viên không cần thiết và yêu cầu họ không được làm việc hay dùng máy tính, điện thoại do chính phủ cấp. Dù vậy, họ có thể sử dụng chúng trong 4 tiếng để hoàn thành công việc yêu cầu và chuẩn bị đến khi chính phủ hoạt động lại.
Bình luận (0)