Theo các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố việc quân đội tiếp quản Myanmar là một "cuộc đảo chính", dẫn đến Mỹ sẽ ngừng viện trợ nước ngoài cho chính phủ nước này, tổng cộng khoảng 109 triệu USD.
"Sau khi xem xét kỹ lưỡng các sự kiện và hoàn cảnh, chúng tôi nhận định rằng bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng cầm quyền của Myanmar và ông Win Myint, người đứng đầu chính phủ được bầu hợp lệ, bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi giới lãnh đạo quân đội Myanmar trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện" - Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Bà Suu Kyi (trái) và Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing. Ảnh: AP
Washington trước đó cảnh báo tái áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Myanmar sau khi chúng được dỡ bỏ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama để khuyến khích quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của Myanmar.
"Các hành động của quân đội Myanmar, nói thẳng ra là từ trước đó, khiến tiến trình chuyển đổi sang nền dân chủ gặp rủi ro nghiêm trọng. Một nhóm rất nhỏ các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar đã chọn lợi ích riêng thay vì ý chí và hạnh phúc của người dân" - một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 2-2.
Kể từ năm 1986, luật pháp Mỹ quy định chính phủ sẽ hạn chế viện trợ nước ngoài nếu quân đội của một quốc gia lật đổ (hoặc đóng vai trò lật đổ) một chính phủ được bầu hợp lệ. Hạn chế liên quan đến hỗ trợ phát triển kinh tế và quân sự, ngoại trừ các khoản tiền dành cho thúc đẩy dân chủ hoặc mục đích cụ thể như chống buôn bán ma túy, khủng bố...
Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối tiết lộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Myanmar, tình hình nhân đạo ở quốc gia Đông Nam Á này vốn đang rất bấp bênh. Hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo hồi năm ngoái do đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế. Vì vậy, bất kỳ quyết định nào từ chính quyền Tổng thống Biden được cho là sẽ tìm cách giảm bớt tác động lên người dân Myanmar.
Quân đội Myanmar lên nắm chính quyền vào đầu tuần này, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tập trung quyền lực vào tay Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing và thông báo sẽ tổ chức bầu cử sau 1 năm nữa.
Kể từ đó, các quan chức Mỹ chưa liên lạc với giới lãnh đạo quân đội và không thể liên lạc với bà Suu Kyi cũng như các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền khác.
Giới lãnh đạo quân đội Myanmar cho rằng hành động của họ là hợp hiến nhưng đảng của bà Suu Kyi và nhiều người bên ngoài gọi đây là một cuộc đảo chính. Hôm 2-2, ông Hlaing cho rằng cuộc đảo chính là "không thể tránh khỏi".
Trong những bình luận công khai đầu tiên kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra, vị tướng này khẳng định việc quân đội tiếp quản đất nước là "phù hợp với luật pháp". "Sau nhiều lần yêu cầu, cách này là không thể tránh khỏi và đó là lý do tại sao chúng tôi phải chọn nó" - ông Hlaing phát biểu trong cuộc họp được cho là cuộc họp nội các đầu tiên do quân đội tiến hành.
Bình luận (0)