Các đơn vị tên lửa di động của Triều Tiên đã được phân tán khắp đất nước, khiến Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo phải đánh giá lại xem liệu tiềm năng tên lửa Triều Tiên đã phát triển đến mức đe dọa Mỹ hay chưa.
Bình Nhưỡng biết rất rõ nước này là mục tiêu theo dõi sát sao của vệ tinh do thám Mỹ, nên quyết định di chuyển bệ phóng tên lửa có thể nhằm gửi một thông điệp nào đó đến Mỹ, ít nhất cũng để thu hút sự chú ý của Washington.
Phát biểu tại Ý ngày 17-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp mãn nhiệm Leon Panetta, tỏ ra lo ngại: “Có trời mới biết họ định làm gì. Họ mới bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa, tức là họ đủ sức bắn tới Mỹ” - ông Panetta nói.
Ngay sau đó, các quan chức Lầu Năm Góc phải lên tiếng trấn an rằng ông Panetta không định ám chỉ Bình Nhưỡng có thể tấn công Mỹ ngay lúc này dù các tin tức tình báo và quân sự chỉ ra Hawaii đã nằm trong tầm bắn.
Dẫu sao đi nữa, Triều Tiên đã tiến bộ vượt bậc trong mục tiêu bắn tên lửa vượt Thái Bình Dương. Vào cuối nhiệm kỳ của mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo Bình Nhưỡng có thể đạt mục tiêu này vào năm 2016.
Tên lửa KN-08 trong cuộc diễu hành ngày 15-4-2012. Ảnh: KCNA
Người Mỹ chưa giải mã được KN-08 sẽ được dùng vào mục đích gì. Ảnh: KCNA
Vấn đề thứ hai khiến Mỹ đau đầu là trong số các bệ phóng đang được bố trí có loại dùng cho tên lửa tầm trung mới KN-08. Washington chưa giải mã được KN-08 được dùng làm gì.
Được trình làng lần đầu trong cuộc diễu hành hồi tháng 4-2012, KN-08 vẫn chưa được chính thức đưa vào sử dụng hoặc thử nghiệm. Tuy nhiên, nhiều bộ phận của KN-08, bao gồm động cơ, đã được thử nghiệm riêng rẽ, theo các nguồn tin tình báo.
Các quan chức Mỹ thường xuyên nghiên cứu công nghệ tên lửa Triều Tiên cho rằng KN-08 được thiết kế với tầm bắn vươn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và một số khu vực của Đông Nam Á. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ cho thấy KN-08 có mang được đầu đạn hạt nhân hay không.
Trong một diễn biến liên quan, báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 18-1 dẫn lời một quan chức quân đội nước này cho biết trong tháng tới sẽ triển khai khoảng 50-60 tên lửa chống tăng có điều khiển Spike do Israel sản xuất tới hai hòn đảo tiền tiêu ở Hoàng Hải nhằm đối phó với nguy cơ bị tấn công từ Triều Tiên.
Hai hòn đảo trên gồm đảo Baengnyeong nằm gần đường ranh giới tranh chấp trên biển với Triều Tiên nhất và đảo Yeonpyeong từng bị Bình Nhưỡng pháo kích hồi tháng 11-2010. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận thông tin này.
Tên lửa Spike sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và có tầm phóng 25km, được cho là có khả năng tấn công pháo binh của Triều Tiên bố trí trong các hang núi.
Bình luận (0)