Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande ở Điện Kremlin hôm 26-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga đã cung cấp cho Mỹ thông tin về đường bay của máy bay ném bom Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hồi đầu tuần này.
“Theo thỏa thuận với Mỹ, chúng tôi đã cung cấp thông tin về nơi máy bay của mình sẽ hoạt động (độ cao và khu vực). Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của liên minh (do Mỹ đứng đầu) và họ phải biết không quân Nga đang hoạt động trong khu vực đó. Nếu đó là một máy bay Mỹ, liệu họ có dám bắn hạ?” - Tổng thống Nga thắc mắc.
Ngoài ra, ông Putin còn bác bỏ phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, theo đó Ankara “có lẽ đã cảnh báo theo cách khác” nếu biết đó là máy bay của Moscow. Theo nhà lãnh đạo Nga, các máy bay nước này đều có những dấu hiệu rất dễ nhận biết trong lúc đường bay của chiếc Su-24 đã được cung cấp cho Mỹ, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Putin cũng có ý trách Mỹ lẽ ra phải thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ về đường bay của chiếc Su-24 khi tuyên bố: “Tại sao chúng tôi lại phải cung cấp thông tin này cho người Mỹ nếu họ không chịu chuyển nó cho những nước còn lại trong liên minh”. Dù khẳng định Moscow sẽ tiếp tục hợp tác với Washington và các đối tác trong cuộc chiến chống IS ở Syria nhưng tổng thống Nga cảnh báo sự hợp tác này có thể bị đe dọa nếu để tái diễn bất kỳ vụ bắn hạ máy bay Nga nào.
Ông Myles Hoenig, một nhà hoạt động và phân tích chính trị người Mỹ, nhận định với đài Press TV (Iran) rằng nếu những cáo buộc trên của ông Putin là thật thì rõ ràng là chính sách quân sự và đối ngoại của Mỹ là gây bất ổn hơn nữa một khu vực vốn đã hỗn loạn và căng thẳng. Cũng theo ông Hoenig, Thổ Nhĩ Kỳ không thể có hành động nguy hiểm như bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga nếu không được sự chấp thuận từ phía Mỹ.
Phát biểu với đài RT (Nga), chuyên gia phân tích chính trị người Pháp Gearoid O’Colmain cũng nhận định tương tự: “Thật ngớ ngẩn nếu nghĩ rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hành động một mình. Họ chắc chắn đã tấn công máy bay ném bom Nga với sự hậu thuẫn của Mỹ”. Chuyên gia này nói thêm rằng chiến lược dài hạn của Mỹ là sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như “một công cụ để gây bất ổn cho Nga”.
Trong lúc này, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi tín hiệu lẫn lộn về cách thức xử lý vụ Su-24. Ngày 27-11, Tổng thống Erdogan cảnh báo Nga chớ “đùa với lửa”, đồng thời tuyên bố Ankara sẽ không xin lỗi Moscow về vụ việc trong khi Thủ tướng Ahmet Davutoglu lại nói “sẽ làm việc với Moscow và các đồng minh để hạ nhiệt căng thẳng”.
Reuters dẫn một số nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Erdogan đã đề nghị bố trí cuộc gặp với Tổng thống Putin bên lề Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Pháp vào ngày 30-11. Tuy nhiên Điện Kremlin khẳng định sẽ không có cuộc gặp nào vì sự thiếu thiện chí của Ankara sau vụ bắn rơi máy bay Nga.
Những bước đi ngoại giao nói trên, nếu diễn ra, là cần thiết bởi quan hệ hai nước vẫn đang tiếp tục xấu đi. Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, hôm 26-11 cho biết quân đội nước này đã cắt đứt mọi kênh liên lạc, bao gồm cả đường dây nóng nhằm giúp tránh các sự cố trên không, với phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, theo hãng tin Tass, Moscow cũng triệu hồi đại diện Hải quân Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này từ chối trao cho Tùy viên quốc phòng Nga tài liệu liên quan tới vụ Su-24. Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow đang chuẩn bị một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng nhằm vào Ankara trong những ngày tới.
Bình luận (0)