Một số công ty công nghệ gửi thư cho Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, lập luận rằng chính quyền ông Trump sẽ làm gia tăng chi phí truy cập internet và cản trở nỗ lực trình làng công nghệ không dây thế hệ mới nếu đánh thuế lên thiết bị viễn thông.
Trong khi đó, Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ và 150 tổ chức khác chỉ ra rằng chính sách thuế quan cho đến giờ vẫn chưa dẫn đến sự nhượng bộ nào từ Trung Quốc và Washington nên tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh.
Ngày 6-9 cũng là thời hạn chót để công chúng Mỹ nêu ý kiến về kế hoạch nói trên trước khi ông Trump có quyết định cuối cùng.
Trả lời trang Bloomberg cuối tuần rồi, ông chủ Nhà Trắng không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ và lại phàn nàn rằng Bắc Kinh đã lợi dụng Washington về thương mại trong nhiều thập kỷ qua.
Nếu kế hoạch trên thực thi, giá trị hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế sẽ tăng lên 250 tỉ USD và Bắc Kinh chắc chắn có biện pháp đáp trả tức thì. Hai bên hiện đánh thuế lên số hàng hóa trị giá 50 tỉ USD của nhau.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang ảnh hưởng đến không ít nông dân trồng đậu nành tại Mỹ Ảnh: REUTERS
Trong lúc chưa rõ biện pháp thuế quan cứng rắn có đủ sức khuất phục được Trung Quốc hay không, chính sách này lại đang khiến các thị trường tài chính, chứng khoán khắp thế giới bất an và làm khó mục tiêu cắt giảm thâm hụt thương mại của ông Trump.
Thống kê mới nhất cho thấy thâm hụt thương mại Mỹ trong 7 tháng đầu năm nay đạt mức 22 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. "Các chính sách của chính quyền này có thể không nhằm tăng thâm hụt thương mại nhưng điều này là tác động của chúng" - ông Philip Levy, từng là thành viên hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống George W. Bush, nhận định.
Chưa hết, đã xuất hiện nỗi lo cuộc chiến thuế quan của ông Trump - không chỉ với Trung Quốc mà còn một số nước khác - bắt đầu tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Nhiều nhà kinh tế tin rằng mức tăng 4,2% của GDP trong quý II/2018 có thể là đỉnh điểm và xung đột thương mại sẽ kéo con số này đi xuống trong những tháng tới.
Những tác động tiêu cực nói trên có thể kéo dài bởi một số chuyên gia dự đoán xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể kéo dài đến sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Riêng ông Derek Scissors, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng quan hệ thương mại Mỹ - Trung có thể "căng như dây đàn" trong 2 năm nữa.
Không dừng lại ở đó, ông Trump hôm 6-9 bóng gió với phóng viên tờ The Wall Street Journal rằng Nhật Bản có thể là mục tiêu kế tiếp. Tuy nhiên, ông Stephen Roach, nhà kinh tế học tại Trường ĐH Yale (Mỹ), cho rằng thuế quan khó có thể là giải pháp cho thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các đối tác. Theo ông Roach, Washington hiện có thâm hụt thương mại song phương với 102 quốc gia trên thế giới.
Bình luận (0)