Tuyên bố trên được ông chủ Nhà Trắng đưa ra trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại tại Học viện quân sự West Point.
“Căng thẳng dù chỉ mang tính khu vực như ở miền Nam Ukraine hay ở biển Đông, hay bất cứ nơi nào, nếu không kiểm soát sẽ tác động tới các đồng minh của chúng ta và quân đội của chúng ta sẽ phải vào cuộc” - ông Obama nhấn mạnh trong bài phát biểu được truyền trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình ở Mỹ. Tuy nhiên, vị tổng thống Mỹ cũng đề cao sự thận trọng trong bất cứ quyết định sử dụng vũ lực nào.
Tổng thống Obama còn kêu gọi Thượng viện Mỹ thông qua Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc để củng cố sức mạnh cho chính quyền Mỹ trong việc kêu gọi Trung Quốc hành xử theo công ước này.
“Sẽ là cực kỳ khó khăn để kêu gọi Trung Quốc giải quyết các vấn đề lãnh hải theo Công ước Luật biển khi Thượng viện Mỹ vẫn chưa thông qua” – Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố.
Ông Obama còn khẳng định “Mỹ ủng hộ các nước ASEAN trong quá trình đàm phán xây dựng bộ Quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền hàng hải ở biển Đông, và đang hành động để giải quyết tranh chấp này thông qua luật pháp quốc tế”.
Bài phát biểu được đánh giá là dấu mốc mở ra một thời kỳ mới của Tổng thống Obama đã thể hiện quan điểm rõ ràng của ông chủ Nhà Trắng trước sự ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông mà gần đây nhất là hành động đánh chìm tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại ngư trường truyền thống và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc có thể di chuyển giàn khoan tới khu vực khác ở Biển Đông
Một số chuyên gia công nghiệp Trung Quốc nhận định giàn khoan Hải Dương -981 từng được Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) gọi là "lãnh thổ quốc gia di động", sẽ được di chuyển tới khu vực khác trên Biển Đông sau khi hoàn tất hoạt động thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa.
Theo các chuyên gia này, những khu vực đó có thể bao gồm cả quần đảo Trường Sa.
"Giàn khoan này được chế tạo để khai thác dầu ở Biển Đông. Nó sẽ di chuyển các vùng nước sâu tại các khu vực khác trên Biển Đông" - ông Lin Boqiang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng của Đại học Xiamen kiêm cố vấn Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông Wu Shicun cho rằng Bắc Kinh đang gửi một tín hiệu rõ ràng tới cộng đồng quốc tế rằng họ có khả năng thực hiện khai thác ở vùng nước sâu.
Hành động sai trái này của Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía Việt Nam cũng như cộng đồng thế giới. Phát biểu trong cuộc họp báo thường ngày tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27-5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố Washington vẫn tiếp tục quan ngại về cách hành xử của tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Bà Psaki nhấn mạnh chỉ có Trung Quốc là bên khiêu khích trong căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.
Bình luận (0)