xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ “dằn mặt” ông Assad

HOÀNG PHƯƠNG

Washington cho biết không có sự thay đổi nào về chính sách hoặc lập trường liên quan đến hoạt động quân sự của mình ở Syria

Quân đội Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào một căn cứ không quân ở Syria lúc 4 giờ 40 phút ngày 7-4 (giờ địa phương), trong vụ tấn công trực tiếp đầu tiên nhằm vào chế độ Tổng thống Bashar al-Assad kể từ khi quốc gia này rơi vào cuộc nội chiến 6 năm trước đó.

Ông Trump đổi thái độ

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đây là hành động trả đũa vụ tấn công hóa học khiến ít nhất 86 dân thường thiệt mạng tại tỉnh Idlib - Syria 3 ngày trước đó mà Damascus bị quy trách nhiệm. Ông Trump giải thích “lợi ích an ninh quốc gia quan trọng” của Mỹ là ngăn việc sử dụng vũ khí hóa học. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi mọi quốc gia văn minh cùng Washington tìm cách chấm dứt “cuộc tàn sát và tình trạng đổ máu tại Syria”.

Động thái trên đánh dấu sự thay đổi lập trường đột ngột của ông Trump. Đài CNN nhận định dựa vào phát biểu của ông Trump tại cuộc họp báo chung với Quốc vương Abdullah của Jordan hôm 5-4, có thể đánh giá ông đã đổi lập trường sau khi nhìn thấy những hình ảnh chụp nạn nhân, trong đó có nhiều trẻ em, của vụ tấn công tại Syria. Tuy nhiên, cũng có thể ông Trump hành động vì muốn chứng tỏ sẽ không để ông Assad vượt lằn ranh đỏ mà không bị trừng phạt như người tiền nhiệm Barack Obama.

Tên lửa được phóng từ 2 khu trục hạm USS Ross và USS Porter ở phía Đông Địa Trung Hải và mục tiêu là căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs. Đây được cho là nơi xuất kích của những máy bay tiến hành vụ tấn công hóa học hôm 4-4. Theo quân đội Mỹ, kết quả đánh giá ban đầu cho thấy chiến dịch quân sự đã phá hủy các máy bay và gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng ở căn cứ.

Trong khi đó, quân đội Syria cho biết tên lửa Mỹ khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, một số người bị thương và gây thiệt hại nghiêm trọng. Căn cứ Shayrat có một khu vực dành cho binh sĩ Nga và Moscow xác nhận đã được thông báo trước về cuộc không kích. Ngoài ra, theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, Mỹ không bắn tên lửa về phía khu vực này.


Tàu USS Ross bắn tên lửa Tomahawk về phía Syria ngày 7-4 Ảnh: Reuters

Tàu USS Ross bắn tên lửa Tomahawk về phía Syria ngày 7-4 Ảnh: Reuters

Mỹ - Nga đối đầu trực diện?

Cũng như mọi khi, hành động quân sự lần này của Mỹ cũng dẫn đến phản ứng trái chiều trong và ngoài nước. Tại Mỹ, một số nhân vật, như 2 thượng nghị sĩ John McCain, Lindsey Graham và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, hoan nghênh tổng thống Mỹ phát đi thông điệp mạnh mẽ đến ông Assad. Trái lại, những người chỉ trích nhấn mạnh bất kỳ hành động quân sự nào cũng cần được quốc hội thông qua. Họ cũng chất vấn về mục đích cuộc không kích, nhất là khi Mỹ không bị tấn công bởi vũ khí hóa học, trong lúc lo ngại Washington có thể sa lầy ở Syria mà không có một kế hoạch toàn diện và được cân nhắc kỹ. Theo tờ The New York Times, người dân Mỹ về lâu dài có thể phản đối việc ông Trump sử dụng sức mạnh quân sự theo cách vừa làm.

Bên ngoài nước Mỹ, chiến dịch quân sự lập tức nhận được sự hậu thuẫn của một số quốc gia, trong đó có các đồng minh của Washington. Ở chiều ngược lại, chính phủ các nước Nga, Syria và Iran lên án vụ tấn công, gọi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Riêng Moscow quyết định đình chỉ một thỏa thuận với Mỹ nhằm ngăn chặn xung đột giữa máy bay 2 nước trên không phận Syria, trong lúc kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn.

Cho dù mục đích có là gì thì chiến dịch không kích nói trên đã mở rộng đáng kể sự can dự quân sự của Mỹ tại Syria, cũng như làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực diện giữa Washington và Moscow, Tehran - hai đồng minh chính của ông Assad. Đài BBC cho rằng vẫn còn quá sớm để biết liệu cuộc không kích có phải là sự khởi đầu cho một sự thay đổi về chính sách đối với Syria. Trước mắt, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với Reuters rằng cuộc không kích chỉ diễn ra một lần và chính quyền ông Trump chưa có kế hoạch leo thang tấn công.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh cuộc không kích chỉ nhằm chứng tỏ ông Trump sẵn sàng hành động khi cần chứ không có sự thay đổi nào về chính sách hoặc lập trường liên quan đến hoạt động quân sự của Mỹ ở Syria.

Bất chấp những lời lẽ trấn an nói trên, tổn thất trong quan hệ Mỹ - Nga, vốn đang không tốt đẹp gì, là điều khó tránh. Ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, cảnh báo cuộc không kích có thể chấm dứt hy vọng về một sự hợp tác giữa 2 nước trong vấn đề Syria hoặc chống khủng bố. Thực hư thế nào sẽ được kiểm chứng trong chuyến thăm Nga của ông Tillerson, dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo