Tuy nhiên, vẫn còn một nút thắt khác cần phải giải quyết. Khoản ngân sách 700 tỉ USD của Đạo luật được gọi là Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) nói trên sẽ không thể có hiệu lực thực tế cho tới khi các nhà lập pháp nước này nhất trí nhượng bộ đối với một đạo luật năm 2011 đã áp giới hạn ngặt nghèo lên các khoản chi tiêu liên bang, trong đó có cả đối với Bộ Quốc phòng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành đạo luật chi tiêu quốc phòng. Ảnh: Reuters
Theo đó, giới hạn đối với chi tiêu quốc phòng năm 2018 được áp ở mức 549 tỉ USD. Và các nhà lập pháp nước này vẫn chưa nhất trí "cởi trói" những mức trần này.
Trước khi đặt bút ký dự luật tại Nhà Trắng, ông Donald Trump lên tiếng kêu gọi Quốc hội nước này "hoàn tất công việc" và loại bỏ trần chi tiêu quốc phòng nói trên.
"Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra. Chúng ta cần quân đội của chúng ta…"- Tổng thống Mỹ nói với sự đồng tình của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Joseph Dunford và các lãnh đạo quân sự cấp cao khác.
Ông chủ Nhà Trắng hối thúc các nghị sĩ Dân chủ tại Quốc hội thôi đe dọa đóng cửa chính phủ và để cho những khoản chi tiêu rõ ràng và dự luật chi tiêu rõ ràng tới bàn của ông để đổ vào quân đội hùng mạnh của nước Mỹ. "Bảo vệ đất nước nên luôn là vấn đề thuộc về lưỡng đảng, giống như dự luật hôm nay"- ông Donald Trump nhấn mạnh.
Khoản chi tiêu tạm thời dành cho chính phủ hiện nay sẽ hết hạn vào ngày 22-12, hạn chót để các nhà lập pháp gởi tới Nhà Trắng một dự luật chi tiêu chính phủ lớn hơn hoặc có nguy cơ đóng cửa chính phủ một phần.
Nhiều nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ chỉ nới lỏng mức trần chi tiêu quốc phòng. Trong khi đó, các nghị sĩ Dân chủ còn muốn tăng các khoản chi tiêu chính phủ khác.
Một khi những giới hạn về chi tiêu quốc phòng được "cởi trói", NDAA sẽ mở đường cho Lầu Năm Góc tiếp tục bổ sung các khí tài tối tân như tiêm kích F-35, tàu ngầm hạt nhân, xe tăng M1 Abrams và nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Với việc tăng chi tiêu quốc phòng thêm hơn 80 tỉ USD so với năm 2017, gói ngân sách 700 tỉ USD này, bằng 8 quốc gia xếp sau trong bảng chi tiêu quốc phòng thế giới cộng lại, cũng sẽ giúp quân đội Mỹ duy trì hiện diện tại hơn 200 căn cứ quân sự ở nước ngoài, đồng thời đảm bảo các hoạt động quân sự tốn kém tại các chiến trường Afghanistan, Iraq và Syria.
Bình luận (0)