xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ đẩy mạnh tuần tra biển Đông

Hoàng Phương

Mỹ sẽ đưa thêm tàu chiến đến biển Đông tuần tra để thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở đó

Hải quân Mỹ đang đẩy nhanh sự chuẩn bị cho chuyến tuần tra tiếp theo vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trang tin The Washington Free Beacon dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết 2 tàu chiến nước này dự kiến áp sát Đá Vành Khăn tại biển Đông trong vài tuần tới.

Bắc Kinh tự cô lập

Chuyến tuần tra nói trên, nếu diễn ra, sẽ càng củng cố lập trường của Mỹ, theo đó phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ đảo nhân tạo nào nói trên cũng như có hành động quân sự hóa và độc chiếm biển Đông. Chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ diễn ra bên trong “vùng cấm địa” lần đầu tiên hôm 27-10 khi tàu khu trục tên lửa USS Lassen áp sát Đá Xu Bi - một trong 3 đảo ở Trường Sa mà Bắc Kinh đang cho xây đường băng để phục vụ mưu đồ kiểm soát biển Đông.

Không dừng lại ở đó, Hải quân Mỹ vào cuối tuần rồi đã cho hạ thủy tàu chiến đấu ven biển USS Milwaukee tại hồ Michigan, TP Milwaukee, bang Wisconsin để sẵn sàng tham gia nhiệm vụ thực thi quyền tự do hàng hải ở biển Đông thời gian tới. Hãng tin AP dẫn lời chuẩn đô đốc Brian Antonio cho biết USS Milwaukee sẽ sớm gia nhập cùng USS Fort Worth trong các cuộc tuần tra ở biển Đông.

Trong lúc này, những hành động đơn phương sai trái của Trung Quốc ở biển Đông khiến nước này tiếp tục bị cô lập tại một loạt hội nghị cấp cao mới diễn ra, từ G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu) ở Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Philippines và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Malaysia.

Bên lề EAS vừa mới khép lại hôm 22-11, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cảnh báo với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng Bắc Kinh không chỉ tự cô lập mình trong khu vực mà còn có thể khơi mào chiến tranh nếu tiếp tục đòi hỏi chủ quyền phi lý và đe dọa tự do hàng hải ở biển Đông. Nhà lãnh đạo Úc nhấn mạnh lịch sử cũng cho thấy một hành vi như thế từng dẫn đến xung đột vũ trang.

 

Tàu USS Milwaukee sắp được đưa đến biển Đông để tuần traẢnh: jsonline.com
Tàu USS Milwaukee sắp được đưa đến biển Đông để tuần traẢnh: jsonline.com

 

Chính sách “phản tác dụng”

Cũng theo ông Turnbull, Úc có thể không là một bên tranh chấp ở biển Đông song Trung Quốc cần phải tính đến các mối quan ngại mà nước này đã gây ra đối với Mỹ và các nước khác trong khu vực. “Những tham vọng về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là một trong những chính sách ngoại giao ngày càng phản tác dụng và đang đẩy những quốc gia nhỏ hơn về phía Mỹ” - nhà lãnh đạo Úc tái nhấn mạnh thông điệp từng đưa ra công khai trước đó. Bên lề Hội nghị Cấp cao APEC vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhận định chính sách của Trung Quốc đã “cực kỳ thành công”, dù vô tình, trong việc đoàn kết các nước ASEAN.

Biển Đông cũng là vấn đề được trao đổi nhiều tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng Úc và những người đồng cấp Nhật Bản tại TP Sydney hôm 22-11. Theo Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, nước này có lợi ích quốc gia trực tiếp và quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, nơi 2/3 khối lượng thương mại của nước này đi qua. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhấn mạnh điều quan trọng chiến lược là cả khu vực cần phải lên tiếng không chấp nhận hành động xây dựng đảo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông.

Một loạt phát biểu mới nói trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc tiếp tục bao biện. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 22-11 ngang ngược tuyên bố nước này sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo tại biển Đông. “Xây dựng và duy trì các cơ sở quân sự cần thiết là điều thiết yếu đối với hoạt động phòng thủ của Trung Quốc, bảo vệ những hòn đảo và bãi đá này” - quan chức này tuyên bố ngược ngạo. Không những thế, nhà ngoại giao Trung Quốc này còn cáo buộc Washington đang “khiêu khích chính trị” và “kiểm tra phản ứng” của Bắc Kinh bằng chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông.

Hãng tin Reuters nhận định phát biểu của ông Lưu là một trong những giải thích mạnh mẽ nhất về quan điểm của Trung Quốc liên quan đến biển Đông. Nó cũng cho thấy Bắc Kinh vẫn cố tình bỏ ngoài tai lời kêu gọi “kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp ở biển Đông” được đưa ra tại các hội nghị cấp cao nói trên.

 

Cậy nhờ bên ngoài

Suốt 13 năm qua, các nước Đông Nam Á đã cố gắng xây dựng một khuôn khổ với Trung Quốc để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao góp mặt tại các cuộc hội đàm cấp cao ở Malaysia cuối tuần qua tiết lộ “một số nước giờ đây đang xem xét những lựa chọn khác nhằm ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn”.

Sự thay đổi chiến lược đó mang lại lợi thế cho Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhà lãnh đạo này và những người đồng cấp ASEAN vừa nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, theo báo The Wall Street Journal. Bước đi này được cho là góp phần thúc đẩy hơn nữa chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Nó cũng diễn ra không lâu sau khi Mỹ can dự mạnh hơn vào vấn đề biển Đông thông qua chiến dịch tự do hàng hải, nhận được sự hoan nghênh của một số nước Đông Nam Á.

Ông Richard Javad Heydarian, một chuyên gia an ninh tại Trường ĐH De La Salle (Philippines), nhận định về mặt chính thức, quá trình đàm phán lâu nay về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vẫn tiếp tục nhưng sự kéo dài này có lẽ xuất phát từ việc ASEAN và Trung Quốc sợ mất mặt khi thừa nhận thất bại sau nhiều năm thương thảo. Bản thân ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN, nhận định trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Chúng tôi vẫn nhận thấy một khoảng cách giữa các nỗ lực ngoại giao, cam kết chính trị và tình hình thực tế trên biển”.

Huệ Bình

 

 

Hơn 200 học giả trong và ngoài nước tham dự hội thảo quốc tế lần thứ 7 về biển Đông Ảnh: Đàm Ninh
Hơn 200 học giả trong và ngoài nước tham dự hội thảo quốc tế lần thứ 7 về biển Đông Ảnh: Đàm Ninh

 

“Sóng ngầm cuồn cuộn”

Đó là phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế lần thứ 7 về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” của Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao (DAV).

Theo đánh giá của hội thảo khai mạc ngày 23-11 ở Vũng Tàu này, nguyên trạng trên biển Đông đang thay đổi nhanh chóng về so sánh lực lượng của các bên trực tiếp liên quan tới tranh chấp; sự hiện diện và mức độ hoạt động của các bên có lợi ích ở biển Đông; thực trạng chiếm đóng của các bên tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có mặt tại hội thảo do DAV phối hợp với Quỹ Nghiên cứu biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức, hơn 200 đại biểu - trong đó có gần 70 học giả quốc tế - sẽ đánh giá về các diễn biến gần đây và những hệ lụy ở biển Đông, đồng thời thảo luận về các triển vọng, khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

“Năm 2015, biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn, đe dọa sự an nguy của một trong những huyết mạch giao thông trên biển quan trọng hàng đầu thế giới; đe dọa tính mạng và công cuộc mưu sinh của hàng triệu ngư dân đánh bắt ở các ngư trường truyền thống trên biển Đông hàng ngàn năm qua; đe dọa sự ổn định, an ninh và phát triển của cả khu vực” - ông Đặng Đình Quý nhấn mạnh.

Theo ông Quý, bên cạnh những lập luận cho rằng tình hình biển Đông vẫn ổn định thì nhiều ý kiến lo ngại về những diễn biến, hành động và hành xử của các bên liên quan tiếp tục làm xói mòn lòng tin, làm phức tạp thêm tình hình và làm trầm trọng hơn những nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực trên. “Giấc mơ về một biển Đông thực sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng; các tranh chấp trên biển Đông được giải quyết công bằng trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Luật Biển năm 1982, còn xa vời. Có lẽ còn phải nhiều thập kỷ nữa giấc mơ ấy mới trở thành hiện thực” - ông Quý nhận định.

Có mặt tại hội thảo, các đại diện Trung Quốc lặp lại luận điệu không khác gì giới chức nước này. Ông Thẩm Đinh Lập, Phó Giám đốc Học viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Trường ĐH Phúc Đán, cho rằng trong việc xây đắp các đảo trên biển Đông, Bắc Kinh không phải là nước khởi xướng mà chỉ đi sau. Dù thừa nhận tốc độ xây dựng quá nhanh, quá rầm rộ khiến nhiều nước phản đối song ông Lập vẫn cho rằng việc làm của Trung Quốc là phù hợp (!?). Phản bác lập luận của học giả Trung Quốc, ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu quốc tế khẳng định chính việc bồi đắp cùng các hành động khác của Trung Quốc trên biển Đông thời gian qua là mối đe dọa của khu vực.

Ngọc Giang - Đàm Ninh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo