Trong chuyến công du đến Ấn Độ vào cuối tuần rồi, ông Hagel đã đề nghị hợp tác phát triển công nghệ quốc phòng với Ấn Độ, một trong những đối tác tiêu thụ vũ khi lớn nhất của nước này. Ông Hagel nói rằng Mỹ đã không đề xuất một chương trình hợp tác tương tự nào như thế với bất kỳ quốc gia nào.
Dữ liệu lớn là một trong những đề xuất đáng chú ý của ông Hagel. Theo một số nguồn tin, công nghệ dữ liệu lớn liên quan đến việc sử dụng các thuật toán để giúp dự báo các cuộc tấn công khủng bố và dùng vào việc giám sát thông minh. Các nguồn tin cho biết thêm Mỹ còn đề nghị cung cấp các chương trình an ninh mạng cho Ấn Độ. Những công nghệ khác cũng được đưa ra thảo luận bao gồm tên lửa chống tăng Javelin tiên tiến, tên lửa đất đối không Hawk 21, máy phóng từ tính giúp máy bay lớn cất cánh khỏi tàu nhỏ...
Sứ mệnh chính lần này của ông Hagel là làm sống lại mối quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn Độ, đặc biệt là các sáng kiến thương mại và công nghệ quốc phòng(DTTI) đã bị "lãng quên" 2 năm qua. Theo DTTI, Mỹ đề nghị Ấn Độ tham gia đồng sản xuất và phát triển một loạt các vũ khí và công nghệ tiên tiến. Mặc dù Mỹ đề nghị đến 10 công nghệ vũ khí mà hai bên có thể hợp tác phát triển nhưng chương trình không có bất kỳ tiến triển nào dưới thời chính phủ Ấn Độ tiền nhiệm
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang quyết tâm ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất vũ khí để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, với việc các công ty tư nhân Ấn Độ vẫn nhấn mạnh về sự cần thiết của công nghệ nước ngoài, đề nghị hợp tác trên của Mỹ được xem là mang lại lợi ích cho cả 2 bên.
Hiện Ấn Độ đang có kế hoạch mua 22 máy bay trực thăng tấn công Apache, 6 máy bay vận tải quân sự C-130J, 15 máy bay trực thăng Chinook và 145 lựu pháo siêu nhẹ M-777, tổng giá trị khoảng 5 tỉ USD.
Bình luận (0)