Nhận định của ông Kerry được đưa ra tại cuộc họp báo sau cuộc gặp các quan chức cấp cao Iraq. Theo ông, chính quyền Tổng thống Barack Obama không có ý định triển khai quân đội tới quốc gia Trung Đông này để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng "trừ phi có điều gì đó thay đổi rất mạnh mẽ”. Tuy nhiên, ông Kerry không nói rõ thay đổi mạnh mẽ ở đây là gì.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, các nhà lãnh đạo Iraq không yêu cầu hoặc tỏ dấu hiệu mong muốn Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia bên ngoài nào khác đưa quân đến để đối phó IS, nhóm đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq. Ngoài ra, họ cam kết nhanh chóng giải quyết những bất đồng của cộng đồng người Sunni và người Kurd về cách thức lập chính phủ mới.
Tổng thống Iraq Fuad Masum (phải) hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 10-9 Ảnh: Reuters
Ông Kerry cũng chuyển lời của Tổng thống Barack Obama tới người dân Iraq, theo đó nhấn mạnh “Mỹ sẽ sát cánh cùng họ trong cuộc khủng hoảng và giúp khắc phục những mối đe dọa mà họ đang phải đối mặt’.
Trong thông báo cho phép tiến hành các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào IS tại Iraq hồi tháng 8, Tổng thống Obama cho biết hành động này chỉ nhằm ngăn chặn IS tấn công nhóm người thiểu số Yazidi và người Kurd. Tuy nhiên, phát biểu trên của Ngoại trưởng John Kerry để ngỏ khả năng Mỹ có thể triển khai quân đội tại Iraq một lần nữa sau đợt rút lui hoàn toàn khỏi nước này năm 2011.
Cũng trong ngày 10-9, Pháp tuyên bố sẽ tham gia không kích chống lại các tay súng cực đoan tại Iraq nếu cần thiết, nhưng kêu gọi thực hiện một chiến thuật thận trọng hơn đối với Syria.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius kêu gọi cộng đồng quốc tế huy động lực lượng chống lại IS , một tổ chức “nguy hiểm xuyên quốc gia đang ôm mộng xâm chiếm vùng đất của chúng ta”, theo lời của ông Fabius. Trước đó, Paris cam kết tham gia liên minh do Washingon dẫn đầu nhưng vẫn còn thận trọng về vai trò của mình.
Ngày 12-9 tới, Tổng thống Francois Hollande cùng Ngoại trưởng Laurent Fabius của Pháp sẽ đến Iraq để thảo luận chiến lược cụ thể. Pháp cũng tổ chức một hội nghị quốc tế về Iraq ngày 15-9. Ông Fabius nhấn mạnh Iraq đã yêu cầu giúp đỡ và Pháp sẵn sàng gửi vũ khí để giúp chính quyền người Kurd chống lại IS.
Bình luận (0)