Mỹ từng phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc lập ADIZ bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật vào tháng 11-2013 và gọi đây là hành động khiêu khích.
Đối với thông tin Trung Quốc định lập ADIZ trên biển Đông, ông Kerry nhấn mạnh: “Chúng tôi bộc lộ rất rõ quan điểm: một hành động mang tính đơn phương, không báo trước như vậy sẽ là thách thức lớn cho khu vực, dẫn đến mất ổn định. (…) Và tôi hy vọng những diễn biến về sau được tiến hành theo phương thức minh bạch và có trách nhiệm”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 14-2. Ảnh: BILD
“Điều quan trọng là phải giải quyết những tranh chấp này một cách hòa bình, không đối đầu để tuân thủ luật pháp về biển và luật pháp quốc tế nói chung” – ngoại trưởng Mỹ phát biểu trong chuyến thăm Bắc Kinh.
Đáp lại, Ngoại trưởng chủ nhà Vương Nghị bày tỏ hy vọng “Mỹ sẽ tôn trọng các quyền chủ quyền của Trung Quốc” và “nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, công bằng”.
Trong ngày 14-2, ông Kerry đã lần lượt hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Trước chuyến thăm châu Á của ông Kerry, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á – ông Daniel Russel – từng yêu cầu Trung Quốc làm rõ “đường 9 đoạn” tham lam trùm gần hết biển Đông. Đây là lần đầu tiên Washington thách thức một cách rõ ràng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Về phía Trung Quốc, nhiều người tin rằng họ có quyền áp đặt kiểm soát ở Tây Thái Bình Dương. Ông Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông), nói: “Tôi không nghĩ Mỹ có quyền can thiệp ở đây. Mỹ đang cố lợi dụng Nam Hải làm phương tiện khống chế Trung Quốc”.
Bình luận (0)