Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington mới đây, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc James Winnefeld, nói rằng Nga vẫn tiếp tục vi phạm các thỏa thuận hạt nhân ký năm 1987, trong đó cấm cả Mỹ và Nga phát triển hoặc triển khai vũ khí hạt nhân có phạm vi hoạt động từ 500-5.500 km. Đây là hiệp ước đầu tiên quy định hai nước cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân.
Đô đốc Winnefeld cho biết chính quyền Tổng thống Obama đang cân nhắc “nhiều lựa chọn”. Trong khoảng thời gian này, Washington sẽ tìm cách buộc Nga phải tuân thủ các thỏa thuận và xem đây là giải pháp hàng đầu. Ngoại trưởng John Kerry gần đây cũng nêu vấn đề với nhà lãnh đạo Nga nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Hồi tháng 7-2014, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này tin rằng Moscow đã vi phạm INFT, ít nhất là từ năm 2012, vì Nga được cho là thử nghiệm tên lửa hành trình có tầm bắn bị cấm. Sau đó 2 tháng, phái đoàn ngoại giao Mỹ tới Moscow để họp bàn về vấn đề này nhưng cuối cùng đành trở về tay không.
Lầu Năm Góc đã đệ trình một danh sách “các biện pháp đối phó tiềm tàng” cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) nhưng Nhà Trắng vẫn chưa sắp xếp một cuộc họp cấp cao với NSC để thảo luận và quyết định các bước cần thực hiện.
Mỹ cũng đang xem xét triển khai thêm quân đội và vũ khí cho các đồng minh NATO để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa gần biên giới Nga. Một số phương án khác như mở rộng lệnh trừng phạt, đẩy mạnh tuần tra gần không phận Nga cũng được tính đến.
Tuy nhiên, Nga phủ nhận cáo buộc của Mỹ và đổ lỗi cho Washington mới chính là người vi phạm hiệp ước. Trong một bài phát biểu hồi tháng 2 tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Âu và sử dụng máy bay không người lái ở khu vực này. Dĩ nhiên, Washington phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc này.
Bình luận (0)