RIMPAC là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, được tổ chức 2 năm/lần. Trong năm nay, Brazil, Đan Mạch, Đức và Ý lần đầu tiên tham gia RIMPAC, diễn ra từ ngày 30-6 đến ngày 4-8.
Hôm 31-5, Hải quân Mỹ cho biết Trung Quốc – từng tham gia tập trận hồi năm 2014 – cũng sẽ góp mặt. Được Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ dẫn dắt, RIMPAC tập trung vào việc cứu trợ thiên tai, an ninh hàng hải, kiểm soát trên biển...
RIMPAC 2016 tập trung khoảng 45 tàu, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 nhân viên quân sự của các nước Úc, Brunei, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Peru, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan, Tonga và Anh.
Nội dung tập trận bao gồm các hoạt động đổ bộ, chống cướp biển, rà phá bom mìn, xử lý vật liệu nổ, lặn và cứu hộ... Một số nội dung khác như đào tạo phòng thủ chống tên lửa, tàu ngầm và máy bay cũng được đưa vào chương trình huấn luyện.
Hầu hết các bài tập diễn ra ở bang Hawaii. Riêng hoạt động đổ bộ sẽ được tổ chức ở phía Nam bang California. Đặc biệt, sáng kiến "Đại Hạm đội Xanh" của Hải quân Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với cuộc tập trận RIMPAC năm nay.
Đây là một sáng kiến của Hải quân Mỹ nhằm sử dụng nhiên liệu thay thế cùng phương pháp bảo tồn nhiên liệu để cắt giảm chi phí năng lượng.
Một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ đề nghị không mời Trung Quốc tham gia tập trận do những hành động bành trướng phi pháp của nước này ở biển Đông.
Hồi tháng trước, nghị sĩ Cộng hòa Mark Takai – thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện – yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nghiêm túc xem xét lời mời nói trên. Ông Takai mô tả các hành động của Trung Quốc là “đối cực với các mục tiêu của Mỹ” tại khu vực châu Á.
Năm 2014, Bắc Kinh gửi 4 tàu tham gia RIMPAC, bao gồm tàu khu trục Hải Khẩu, tàu bệnh viện Peace Ark và 1 tàu do thám (đậu ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Hawaii).
Vào ngày 4-6 tới, Mỹ cũng tham gia cuộc tập trận CARAT với Hải quân Philippines và Malaysia ở vùng biển Sulu. Đây là vùng biển Malaysia và Philippines sở hữu đường biên giới chung.
Theo Chuẩn Đô đốc Charles Williams, cuộc tập trận đa phương sẽ cung cấp cho lực lượng hải quân 3 nước cơ hội mở rộng hợp tác an ninh hàng hải, giúp Mỹ đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia đối tác.
Tàu khu trục USS Stethem (DDG-63) của Mỹ sẽ hoạt động với các tàu Hải quân Hoàng gia Malaysia trong thời gian đào tạo. Còn tàu USS Ashland (LSD-49) kết hợp với các tàu của Hải quân Philippines.
Một máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ cũng hỗ trợ diễn tập thông tin liên lạc với các tàu và máy bay của 3 nước.
Bình luận (0)