Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tiếp Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk sau phiên họp Hội đồng Bảo an ở New York - Mỹ ngày 13-3 (giờ địa phương). Đây là phiên họp thứ sáu của Hội đồng Bảo an bàn về cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong vòng 2 tuần lễ.
Phương Tây tăng sức ép
Trước đó, ngày 12-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón ông Yatsenyuk tại Nhà Trắng, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với Kiev. Theo ABC News, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ và cộng đồng quốc tế bác bỏ cuộc trưng cầu ý dân về tương lai của Crimea, đồng thời cảnh báo Nga không sử dụng vũ lực đối với Ukraine. Ông Obama tiếp tục cảnh báo không chỉ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) mà cả cộng đồng quốc tế sẽ bắt Moscow phải trả giá vì những vi phạm luật pháp quốc tế và hành động xâm phạm chủ quyền Ukraine.
EU hôm 12-3 cũng nhất trí áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên đối với Nga kể từ sau chiến tranh lạnh, động thái mạnh mẽ hơn dự kiến và được đánh giá là dấu hiệu đoàn kết với Washington liên quan đến tình hình ở Crimea. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố các biện pháp trừng phạt sẽ được áp đặt ngày 17-3 trừ trường hợp các bên đạt được tiến bộ về ngoại giao.
Các biện pháp của EU - cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với các đối tượng vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine - tương tự như của Washington nhưng có sức nặng hơn bởi châu Âu mua hầu hết lượng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, theo Reuters, Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov không có tên trong danh sách trừng phạt vì EU vẫn muốn để ngỏ các kênh ngoại giao.
Phát biểu tại Hội đồng Atlantic sau đó, Thủ tướng Yatsenyuk thừa nhận ông thỏa mãn với phản ứng của Mỹ và châu Âu, đồng thời tán dương nhân dân Mỹ vì sự ủng hộ của họ.
Giành giật Ukraine
Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ chống chiến tranh và bảo vệ nhân quyền Answer Coalition có trụ sở tại Mỹ ngày 13-3 đã phát động chiến dịch phản đối Washington viện trợ tài chính cho chính quyền mới ở Kiev. Theo tổ chức này, nhiều phần tử thuộc chủ nghĩa phát xít mới đã nắm giữ nhiều vị trí nội các quan trọng ở Ukraine.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 12-3
Ảnh: AP
Cùng ngày, Thứ trưởng Kinh tế Nga Alexei Likhachev tuyên bố Moscow sẽ trả đũa Mỹ và châu Âu tương xứng. “Họ đưa ra đòn trừng phạt nào thì chúng tôi cũng giáng trả bằng những biện pháp tương tự” - ông Likhachev nhấn mạnh song vẫn bày tỏ hy vọng Mỹ và EU chỉ áp các biện pháp trừng phạt chính trị thay vì cấm vận kinh tế.
Các sự kiện ở Kiev đang tạo điều kiện cho những nhà lãnh đạo mới của Ukraine giành lại cơ hội kết thân với EU, điều bị đánh mất dưới thời ông Viktor Yanukovych. Các nước EU dự định ký một phần hiệp định liên kết về chính trị với Ukraine tại kỳ họp thượng đỉnh kế tiếp của khối này. Hãng tin Newsru cho biết EU đã hứa hẹn hỗ trợ Kiev về tài chính, thậm chí cử chuyên gia đến giúp người Ukraine. Các nhà lãnh đạo phương Tây có thể chấp nhận Crimea sáp nhập vào Nga để đổi lấy việc tạo dựng ảnh hưởng vững chắc hơn tại Kiev. Đó là một giải pháp có lẽ phương Tây sẽ chấp nhận dù không mong muốn bởi không cường quốc nào sẵn lòng lao vào cuộc chiến với cường quốc hạt nhân như Nga.
Giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga (Rossotrudnichestvo), ông Konstantin Kosachev, nhận định Brussels và Washington đã đổ tiền và công sức vào việc xây dựng ý thức hệ tại xã hội Ukraine nhiều hơn Moscow. Theo ông này, xuất phát từ tình hình phức tạp ở Ukraine, Nga phải thiết lập lại mối quan hệ với dư luận xã hội tại Ukraine và cả các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Bình luận (0)