Con tàu của hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk Line này chở theo 3.600 container hàng hóa sẽ đi qua eo biển Bering và hy vọng đến TP St. Petersburg - Nga vào cuối tháng 9, tức có thể nhanh hơn tuyến đường phía Nam đi qua kênh đào Suez của Ai Cập hiện nay đến 14 ngày. Một kết quả như thế giúp tuyến đường mới này - gọi là Tuyến đường Biển Bắc (NSR) - trở thành tuyến vận tải huyết mạch giữa châu Á và châu Âu, bên cạnh kênh đào Suez.
Maersk sẽ thu thập dữ liệu về NSR để xem liệu tình trạng tan băng ở Bắc Cực có giúp lộ trình vận chuyển mới này khả thi về kinh tế hay không. Hành trình của tàu Venta Maersk - được thiết kế để phù hợp trong môi trường băng giá - trải dài từ eo biển Bering (nằm giữa Nga và bang Alaska - Mỹ) ở phía Đông đến Na Uy ở phía Tây. Đài CNN cho biết thủy thủ đoàn 26 người được huấn luyện đặc biệt để chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Một tàu container của Maersk Line. Ảnh: SEAGO LINE
Cho đến giờ, tàu thuyền muốn đi qua tuyến đường nói trên phải cần đến sự hỗ trợ của tàu phá băng đi cùng. Tuy nhiên, tình trạng toàn cầu ấm dần lên phần nào khiến việc đi lại dễ dàng hơn. Một báo cáo của Trường Kinh doanh Copenhagen (Đan Mạch) dự báo NSR sẽ khả thi về kinh tế vào năm 2040 nếu băng Bắc Cực tiếp tục tan chảy với tốc độ hiện nay.
Dù vậy, cột mốc nói trên có thể được đẩy lên sớm hơn. Tàu chở khí hóa lỏng Christophe de Margerie vào năm ngoái trở thành con tàu đầu tiên đi qua NSR mà không cần tàu phá băng. Công ty khí đốt Novatek (Nga) trong năm nay bắt đầu sử dụng tuyến đường này cho các con tàu được thiết kế đặc biệt.
Trung Quốc cũng đang sử dụng NSR như là một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường. Tập đoàn vận tải nhà nước Cosco đã đưa tàu Lian Hua Song đến một cảng ở Nga vào mùa thu năm ngoái để đi theo tuyến đường này.
Riêng Maersk cho biết vẫn chưa có kế hoạch triển khai dịch vụ thương mại trên NSR - hiện chỉ đi được trong khoảng 3 tháng mỗi năm. Công ty cho biết thêm họ cần phải đầu tư vào đội tàu chịu được sự khắc nghiệt của Bắc Cực.
Viễn cảnh về một tuyến vận chuyển hàng hóa qua Bắc Cực còn được ủng hộ bởi dự báo của các mô hình khí tượng. Theo đó, sớm nhất là đến năm 2050, khu vực này sẽ không có băng trong một khoảng thời gian nào đó trong năm.
Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy đây không phải là kịch bản xa vời: Một phần lớp băng ngoài khơi bờ biển Greenland - thuộc loại lâu đời và dày nhất Bắc Cực - lần đầu tiên xuất hiện vết nứt.
Bình luận (0)