Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley hôm 24-12 thông báo Mỹ đã thương thảo thành công việc cắt giảm 285 triệu USD tiền đóng góp cho ngân sách LHQ trong tài khóa 2018-2019.
Dùng tiền mua ảnh hưởng?
"Sự thiếu hiệu quả và chi tiêu quá mức của LHQ là chuyện nhiều người biết. Chúng tôi sẽ không cho phép sự hào phóng của người dân Mỹ bị lợi dụng hoặc thiếu sự giám sát thêm chút nào nữa" - bà Haley tuyên bố. Bà cũng cho rằng đây là hướng đi đúng tiến đến việc biến LHQ thành một cơ quan hoạt động hiệu quả, kỷ luật và trách nhiệm hơn. Theo tờ The New York Post, thỏa thuận đạt được khiến ngân sách LHQ tài khóa 2018-2019 ít hơn 285 triệu USD so với mức 5,4 tỉ USD của tài khóa 2016-2017.
Không hài lòng với con số trên, bà Haley bày tỏ hy vọng ngân sách LHQ sẽ còn giảm nữa trong những năm tới, phù hợp với một trong những mục tiêu của chính quyền ông Trump là giảm đóng góp tài chính của Mỹ cho LHQ. Theo trang PolitiFact, con số này hiện là 3,3 tỉ USD, chiếm 22% ngân sách thường niên của LHQ. Phe bảo thủ lâu nay phàn nàn cơ quan này không ủng hộ những lợi ích của Mỹ. Chỉ trích càng tăng sau khi Đại Hội đồng LHQ hôm 21-12 bỏ phiếu về nghị quyết phản đối ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel bất chấp lời đe dọa cắt viện trợ của ông chủ Nhà Trắng.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu, bà Haley cảnh báo chính quyền ông Trump sẽ "ghi sổ" những nước nào bỏ phiếu chống lại mình, trong lúc cảnh báo ngân sách đóng góp cho LHQ của Mỹ sẽ chịu tác động nếu nghị quyết được thông qua. "Nước Mỹ sẽ ghi nhớ ngày hôm nay - ngày mà đất nước chúng tôi bị nêu đích danh để chỉ trích tại Đại Hội đồng LHQ vì một hành động thuộc quyền của một quốc gia có quyền tự quyết. Chúng tôi sẽ nhớ về ngày này khi chúng tôi một lần nữa được kêu gọi trở thành nước đóng góp nhiều tiền nhất cho LHQ… Khi chúng tôi đóng góp hào phóng cho LHQ, chúng tôi cũng có một kỳ vọng hợp pháp rằng thiện chí của chúng tôi sẽ được công nhận và tôn trọng" - bà Haley nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley Ảnh: REUTERS
Thủ thuật đàm phán
Phớt lờ những động thái "dằn mặt" trên, 128/193 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết - một kết quả cho thấy sự cô lập của Mỹ bởi tại cuộc bỏ phiếu tương tự của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 18-12, 14/15 thành viên đã bỏ phiếu thuận, buộc Washington phải ra tay phủ quyết. Trong số 9 nước bỏ phiếu chống nghị quyết tại Đại Hội đồng LHQ, Guatemala hôm 24-12 trở thành quốc gia đầu tiên theo chân Mỹ khi thông báo chuyển đại sứ quán tại Israel từ TP Tel Aviv đến TP Jerusalem. Ngoài Guatemala và Mỹ, hiện mới có CH Czech nói đang cân nhắc chuyện dời đại sứ quán đến Jerusalem.
Giới phân tích nhận định kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy không nhiều nước tin vào chuyện ông Trump thực sự trả đũa. Trang MIC cho rằng chuyện cắt viện trợ chỉ là ví dụ mới nhất cho thấy ông Trump thường sử dụng chiêu đe dọa làm thủ thuật đàm phán trên trường quốc tế và nhiều nước không quan tâm đến nó. "Khi phần lớn người dân Mỹ không cho rằng tổng thống mình nói nhiều điều có thật, tại sao cả thế giới lại phải tin ông ấy?" - ông Stephen Miles, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Quốc tế (Mỹ), nhận định.
Trong khi đó, ông Dan Arbell, chuyên gia Viện Brookings (Mỹ), nhận định: "Sẽ rất khó để thực hiện lời đe dọa này. Nếu ông Trump quyết ra tay, những gì ông làm cũng chỉ mang tính biểu tượng mà thôi". Tờ The New York Times chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp, ông Trump sẽ phải tìm kiếm sự phê chuẩn từ quốc hội Mỹ nếu muốn cắt viện trợ - một tiến trình mất không ít công sức và thời gian. Ngoài ra, một động thái như thế có thể khiến các đồng minh ở Trung Đông xa lánh Mỹ.
Nhà lãnh đạo Mỹ từng tuyên bố sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu nước này tiếp tục các hành vi khiêu khích hạt nhân. Lời đe dọa này dường như không ngăn được Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng trong lúc ông chủ Nhà Trắng chưa có hành động gì cụ thể. Giờ đây, theo ông Miles, lời đe dọa đối với các thành viên LHQ chỉ là một minh chứng nữa cho sự khinh suất của ông Trump và điều này đang làm giảm uy tín của Mỹ.
Bình luận (0)