Giới chức quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ hôm 3-3 cho biết hai nước đã quyết định chấm dứt các cuộc tập trận chung Giải pháp then chốt (Key Resolve) và Đại bàng non (Foal Eagle) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Hai cuộc tập trận này bị Triều Tiên xem là những động thái diễn tập chuẩn bị chiến tranh xâm lược nước này.
Giảm quy mô tập trận
Trong các cuộc điện đàm ngày 2-3, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã thống nhất đưa ra quyết định trên để thể hiện mong muốn duy trì đối thoại, xoa dịu căng thẳng với Bình Nhưỡng bất chấp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Lầu Năm Góc trong một tuyên bố chung cho biết họ sẽ thay thế các cuộc tập trận lớn nói trên bằng các cuộc tập trận phối hợp quy mô nhỏ hơn nhằm "huấn luyện và duy trì năng lực sẵn sàng tác chiến" cũng như "duy trì và củng cố quan hệ đồng minh" của quân đội 2 nước.
Tuyên bố chung còn cho biết quyết định này được đưa ra dựa trên khuyến nghị của tướng Park Han-ki, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) và tướng Robert Abrams, chỉ huy Bộ Tư lệnh Các lực lượng phối hợp Mỹ - Hàn Quốc (CFC).
Trong buổi họp báo chung hôm 3-3, hai ông Park và Robert cho biết cuộc tập trận phối hợp mới có tên là Dong Maeng và dự kiến diễn ra ngày 4-3. "Dong Maeng, có nghĩa là Đồng minh trong tiếng Anh, đã được điều chỉnh từ chuỗi tập trận mùa xuân Giải pháp then chốt và Đại bàng non. Dong Maeng sẽ tập trung vào các khía cạnh chiến lược, tác chiến và chiến thuật của các chiến dịch quân sự trên bán đảo Triều Tiên" - ông Park và ông Robert nhấn mạnh.
Các binh sĩ trong cuộc tập trận Đại bàng non ở TP Pohang - Hàn Quốc năm 2017 Ảnh: REUTERS
Trong những tháng gần đây, giới chức quân đội Mỹ và Hàn Quốc liên tục khẳng định cam kết ủng hộ tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy hòa bình khu vực.
Năm ngoái, Seoul và Washington đã ngưng hàng loạt cuộc tập trận lớn, bao gồm "Người bảo vệ tự do Ulchi" vào mùa hè và diễn tập không quân Vigilant Ace vào mùa đông. Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì các cuộc tập trận quy mô nhỏ hơn để duy trì năng lực sẵn sàng tác chiến.
Không hoàn toàn vô nghĩa
Trên mặt trận ngoại giao, Tổng thống Moon Jae-in sẽ họp Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) trong ngày 4-3 để thảo luận về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 và các bước đi trong thời gian tới.
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tham dự cuộc họp này dự kiến còn có Thủ tướng Lee Nak-yon, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Suh Hoon, Chánh Văn phòng Tổng thống Noh Young-min cùng bộ trưởng các bộ ngoại giao, thống nhất và quốc phòng…
Trước đó, vào ngày 1-3, Tổng thống Moon khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 không hoàn hoàn vô nghĩa vì 2 nhà lãnh đạo "thậm chí đã bàn về vấn đề thành lập các văn phòng liên lạc - một bước tiến quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương".
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã điện đàm với Tổng thống Trump không lâu sau khi thượng đỉnh kết thúc. Ông chủ Nhà Trắng được cho là đã yêu cầu ông Moon tiếp tục "vai trò trung gian tích cực" giữa Mỹ và Triều Tiên. Đáp lại, Tổng thống Moon cam kết cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để các cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên thành công. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ hội đàm sớm nhất có thể để thảo luận tình hình Triều Tiên.
Trước mắt, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) hôm 3-3 dẫn nguồn tin ngoại giao mật cho biết ông Lee Do-hoon, đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và các vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên, sẽ sớm gặp người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun tại thủ đô Washington để bàn về các bước đi tiếp theo với Triều Tiên. "Ông Lee lên kế hoạch rời Hàn Quốc ngày 5-3 để đến Mỹ bàn bạc với đặc phái viên Biegun vào ngày hôm sau" - nguồn tin này khẳng định.
Mặc dù không đạt được bất cứ thỏa thuận nào với lãnh đạo Kim Jong-un tại cuộc gặp vừa rồi, Tổng thống Trump hôm 2-3 khẳng định quan hệ Washington - Bình Nhưỡng dường như vẫn "rất, rất vững chắc". Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo Triều Tiên sẽ "không có bất cứ tương lai kinh tế nào nếu không từ bỏ vũ khí hạt nhân".
Bình luận (0)