“Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên đã kết thúc. Đó là thông điệp được Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra hôm 17-4, tức một ngày sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa thất bại.
Sớm kích hoạt THAAD
Phát biểu gần khu phi quân sự tại biên giới hai miền Triều Tiên, ông Pence cũng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng Trung Quốc “có hành động cần thiết” để Triều Tiên thay đổi chính sách, từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Một nguồn tin thân cận tiết lộ với trang Bloomberg rằng ông Trump vẫn sẵn sàng xem xét hành động quân sự, như ra lệnh một cuộc tấn công bất ngờ, để đáp trả những hành động gây bất ổn khu vực của Bình Nhưỡng.
Không chỉ dọa suông, Mỹ đã tăng cường lực lượng đến gần bán đảo Triều Tiên. Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin chính phủ Hàn Quốc ngày 17-4 cho biết 3 tàu sân bay USS Carl Vinson, USS Ronald Reagan và USS Nimitz dự kiến đi vào biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông) trong tuần tới.
Chưa hết, khoảng 1.000 binh lính thuộc lực lượng không quân cùng nhiều máy bay chiến đấu của Mỹ đang tham gia cuộc tập trận chung thường niên với không quân Hàn Quốc. Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ hôm 17-4 thông báo cuộc tập trận này mang tên Max Thunder, diễn ra tại căn cứ không quân Kunsan ở phía Tây Nam Hàn Quốc trong 2 tuần. Ngoài ra, hai nước còn nhất trí kích hoạt sớm Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để đánh chặn tên lửa Triều Tiên tại cuộc hội đàm cùng ngày giữa ông Pence và quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn.
“Viên thuốc độc”
Theo sau vụ thử tên lửa thất bại hôm 16-4, Triều Tiên được cho là đang lên kế hoạch tiến hành một vụ thử hạt nhân mới vào ngày 25-4 nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên. Tờ The Daily Star dự báo đây sẽ là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng. “Các chuyên gia tin rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên sẽ diễn ra vào thời điểm Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang ở thăm khu vực hoặc nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội Triều Tiên, ngày 25-4. Điều này vẫn chưa được xác nhận nhưng chúng ta đều biết bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên đã trong trạng thái sẵn sàng” - phóng viên Will Ripley của đài CNN cho biết. Điều đáng ngại là một quan chức Nhà Trắng cảnh báo Mỹ sẽ có hành động nếu Triều Tiên thử hạt nhân.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Triều Tiên quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp sức ép của cộng đồng quốc tế. Chuyên gia Brad Glosserman thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nói với trang news.com.au rằng tham vọng hạt nhân là “viên thuốc độc” để bảo đảm sự tồn tại của Triều Tiên bởi các nước khác, như Mỹ, sẽ sợ bị trả đũa nếu tấn công Bình Nhưỡng. Vì thế, việc trở thành một quốc gia hạt nhân quan trọng đến nỗi nó được nói đến trong Hiến pháp Triều Tiên năm 2012.
Một lý do khác khiến Triều Tiên quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân là muốn giỏi hơn nước láng giềng Hàn Quốc. Theo ông Glosserman, năng lực hạt nhân là thứ duy nhất mà Bình Nhưỡng đang vượt trội Seoul nên họ sẽ không từ bỏ nó.
Trung Quốc có thực sự “bỏ rơi” Triều Tiên?
Hãng hàng không Air China ngày 17-4 bắt đầu tạm ngưng các chuyến bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Dù lý do được đưa ra là “ế vé” song giới phân tích coi động thái từ hãng hàng không duy nhất bay tới Triều Tiên của Trung Quốc là dấu hiệu Bắc Kinh đang xa cách đồng minh khó bảo của mình. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá hành động Trung Quốc trả tàu chở than quay về Triều Tiên gần đây là “bước tiến lớn” hướng tới trừng phạt Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, câu hỏi được dư luận quan tâm là liệu Trung Quốc có thực sự “bỏ rơi” Triều Tiên? Thông báo chính thức của Air China cho biết chỉ tạm ngưng một số chuyến bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Còn quyết định chấm dứt nhập khẩu than từ Triều Tiên đã được Bắc Kinh thông báo từ ngày 18-2, thế nhưng hồi đầu tháng này, những hình ảnh vệ tinh vẫn cho thấy 2 tàu của Triều Tiên dỡ hàng tại nhà ga Bồng Lai, phía Đông Bắc Trung Quốc, theo tạp chí Forbes. Trung Quốc còn tiếp nhận các tàu chở than của Triều Tiên tại cảng Nhật Chiếu (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) ngay sau khi thông báo lệnh cấm nói trên. Hồi tháng 3, một tàu của Triều Tiên bị phát hiện qua lại giữa các cơ sở than đá của Trung Quốc và Triều Tiên.
Than đá vốn chiếm một phần ba tổng sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên (theo số liệu năm 2015) và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Bất chấp lệnh cấm trên, kim ngạch nhập khẩu từ Triều Tiên sang Trung Quốc trong quý I/2017 tăng tới 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên cũng tăng tới 54,5% trong quý vừa qua.
Trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng hôm 15-4, giới quan sát không khỏi sửng sốt khi chứng kiến một loại tên lửa mới đi qua quảng trường Kim Nhật Thành. Ông Bruce Bechtol, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về quân đội Triều Tiên, ghi nhận vỏ ngoài của tên lửa trông giống loại vỏ dùng cho DF-31, tên lửa có tầm bắn ít nhất 8.000 km của Trung Quốc.
Theo trang Salon, với những quyền lực nắm giữ trong tay, Bắc Kinh rõ ràng có thể cắt “dây rốn” nối với Bình Nhưỡng. Dù vậy, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy họ sẵn sàng thực sự giải quyết vấn đề Triều Tiên dù cho ngày càng bị chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un chọc giận nhiều hơn.
Thu Hằng
Bình luận (0)