Tại Washington, Ngoại trưởng Kerry không khỏi vất vả trong phiên điều trần đầu tiên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về thỏa thuận hạt nhân mà Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đạt được hồi tuần trước với Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters
Ông Kerry nói với các nhà lập pháp đang đầy hoài nghi rằng việc từ bỏ thỏa thuận đó có thể coi là một động thái “bật đèn xanh” cho Iran tăng tốc chương trình nguyên tử của nước cộng hòa Hồi giáo này.
"Chúng ta sẽ phung phí cơ hội tốt nhất có được để giải quyết vấn đề thông qua con đường hòa bình. Thực tế là Iran hiện đang có những kinh nghiệm sâu rộng trong kỹ thuật tái chế nhiên liệu hạt nhân. Chúng ta không thể làm ngơ trước thực trạng này” – ông Kerry nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Kerry cũng kịch liệt bác bỏ những cáo buộc từ các nghị sĩ Cộng hòa cấp cao cho rằng ông đã bị các nhà đàm phán Iran “xỏ mũi” trong vòng đàm phán cuối cùng ở Vienna - Áo. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew khẳng định rằng thỏa thuận cũng sẽ không thể ngăn Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran xung quanh các vấn đề nhân quyền nếu cần.
Quốc hội có 60 ngày để xem xét thỏa thuận này trước khi có kết luận cuối cùng về việc thông qua hay không.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Rouhani – người mới trúng cử 2 năm trước với lời hứa sẽ giảm thiểu sự cô lập của thế giới đối với đất nước 80 triệu dân này, phải ra sức bảo vệ thỏa thuận nói trên trước những chỉ trích từ lực lượng Vệ binh Cách mạng và các nhà lập pháp bảo thủ vốn coi thỏa thuận này là mối hiểm họa đối với an ninh Iran. Không những thế Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei – người có tiếng nói quyết định đối với thỏa thuận này - hiện vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
Như vậy, sau nhiều thập kỷ không đội trời chung, hai chính phủ Mỹ và Iran lại đang bất ngờ “gặp nhau” ở một mục tiêu chung, đó là cần phải thuyết phục được những người nghi ngờ thỏa thuận hạt nhân mới đạt được, theo đó Iran sẽ kiềm chế chương trình hạt nhân trong nước để đổi lại sự nới lỏng trừng phạt từ phương Tây đã gây tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế nước này.
Bình luận (0)