Dư luận thế giới đang nóng lên sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh dỡ bỏ cấm vận hệ thống tên lửa phòng không S-300 đối với Iran.
“Chẳng ích lợi gì”
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định động thái này thúc đẩy cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức), đồng thời trấn an rằng S-300 chỉ có mục đích phòng thủ và không phải là mối đe dọa đối với bất cứ nước nào trong khu vực, kể cả Israel.
Đáp lại, Bộ trưởng Tình báo Israel Yuval Steinitz chỉ trích quyết định của Nga giúp Tehran có được “tính hợp pháp mới” sau khi đạt thỏa thuận khung với nhóm P5+1 hôm 2-4. Trong khi đó, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf thừa nhận việc Moscow cung cấp S-300 cho Tehran không vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho rằng hành động này chẳng ích lợi gì.
Theo báo Vzglyad, Washington cho rằng đó là bước đi không mang tính xây dựng từ phía Nga vào thời điểm Iran đang có những hành động gây bất ổn trong khu vực. Hơn nữa, theo trang Regnum.ru, Mỹ e ngại Moscow và Tehran sau này có thể công khai phối hợp về mặt đối ngoại, như việc soạn thảo thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa Iran và nhóm P5+1 hoặc đường lối thực hiện chính sách ở khu vực Cận Đông, vùng Vịnh và Trung Á.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 gần đây đã tham gia cuộc tập trận ở vùng Astrakhan,
miền Nam Nga Ảnh: POLITIKUS.RU
Về phía Iran, hãng tin IRNA dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Hossein Dehqan: “Sự phát triển hợp tác song phương với Nga và các quốc gia láng giềng trong nhiều lĩnh vực khác nhau có thể giúp đạt được ổn định và an ninh bền vững trong khu vực”.
Thư ký Hội đồng An ninh Iran Ali Shamhani ngày 14-4 bày tỏ hy vọng hệ thống S-300 sẽ đến tay Tehran vào cuối năm nay. Theo ông, Iran sẽ rút lại ngay sau đó đơn kiện tại tòa án Geneva đòi Công ty Roboronexport của Nga bồi thường 4 tỉ USD vì ngưng hợp đồng cung cấp S-300 mà Nga và Iran ký năm 2007.
Hết cửa trừng phạt Nga?
Ngoài bước đi liên quan đến S-300, Điện Kremlin hôm 14-4 xác nhận thỏa thuận đổi dầu lấy lương thực giữa Nga và Iran đang được thực thi nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Phản ứng trước thông tin này, theo hãng tin Tass, thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Ernest cho biết Mỹ đang nghiên cứu các chi tiết của thỏa thuận vừa nêu.
Trước đây, Washington đã nhiều lần đe dọa đơn phương trừng phạt Moscow trong trường hợp thỏa thuận trao đổi hàng hóa Nga và dầu mỏ Iran được thực hiện. Lần này, ông Ernest thừa nhận Washington đang tiếp xúc trực tiếp với phía Nga để thuyết phục họ hiểu được những mối lo ngại của Mỹ.
Trong khi đó, theo báo Izvestia, Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga cho rằng vào tháng 6 tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể siết chặt lệnh trừng phạt đối với Nga bởi thiếu sự thống nhất. Một loạt quốc gia EU sẽ ngăn chặn quyết định trên bởi họ quan tâm đến đối thoại và phát triển quan hệ với Nga trong lúc thế giới nói chung đang thay đổi thái độ đối với các biện pháp chống Moscow. Thêm nữa, theo các chuyên gia, các nước châu Âu sẵn sàng từ bỏ phương thức chiến tranh và cô lập Nga vì cho rằng chúng đang phản tác dụng.
Vẫn bất đồng về Donbass
Theo trang Obozrevatel (Ukraine), các ngoại trưởng bộ tứ Normandy (Ukraine, Nga, Pháp, Đức) hôm 13-4 đã thỏa thuận mở rộng lệnh rút vũ khí hạng nặng sang các loại vũ khí dưới 100 mm cùng tất cả xe tăng ra khỏi chiến tuyến ở Đông Ukraine. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết Kiev và Moscow vẫn bất đồng tại cuộc họp nhưng ông quả quyết không có phương án thay thế Thỏa thuận Minsk.
Bất chấp thỏa thuận vừa đạt được, giao tranh lại bùng phát trong đêm 13 và rạng sáng 14-4 tại một số khu vực ngoại ô TP Donetsk. Phóng viên AP còn nhìn thấy ít nhất 10 xe bọc thép đang di chuyển từ khu vực của phe ly khai Ukraine tới Donetsk. Quân đội Ukraine ngày 14-4 cho biết 6 binh sĩ thiệt mạng và 12 người khác bị thương trong 24 giờ qua.
Bình luận (0)