Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân sơ bộ giữa nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) với Iran được ký kết ngày 2-4 tại Thụy Sĩ, Nhà Trắng tích cực vận động hành lang tới các nghị sĩ Đảng Dân chủ. Chính quyền Tổng thống Obama kêu gọi họ không ủng hộ dự luật cho phép Quốc hội giám sát thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran, sắp được ký vào ngày 30-6 tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Bob Corker cho biết dự luật được nhiều thành viên Đảng Dân chủ ủng hộ mạnh mẽ. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã thông qua dự luật và đang kỳ vọng được lưỡng viện chấp thuận.
Thành viên cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa những tuần gần đây thu được 67 lá phiếu để loại bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Obama. Nhưng sau đó, các thành viên Đảng Dân chủ còn lại đã “cứu nguy” cho nhà lãnh đạo Mỹ. Do vậy, ông Obama vẫn giữ được quyền phủ quyết trong trường hợp Quốc hội cố gắng “đánh chìm” thỏa thuận hạt nhân sơ bộ.
Theo dự luật mới, Quốc hội có thể xem lại bất cứ thỏa thuận hạt nhân toàn diện nào với Iran và bác bỏ xác nhận của ông Obama – vốn cho rằng Tehran không hỗ trợ các tổ chức khủng bố chống lại Mỹ. Quốc hội cũng có thể từ chối kết quả thỏa thuận toàn diện nếu các điều khoản vẫn tạo điều kiện để Iran phát triển chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Điều này cũng đòi hỏi chính quyền Obama phải gửi văn bản thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran cho Quốc hội thẩm tra, đồng thời chặn đứng khả năng Washington dỡ bỏ hàng loạt biện pháp trừng phạt đang nhằm vào Tehran.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết ông Obama có thể chấp nhận “thỏa hiệp” để dự luật có tác dụng do lưỡng đảng và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đều đã đồng ý. Trong khi đó, động thái của nhà lãnh đạo Mỹ có thể khiến Iran không bằng lòng. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã yêu cầu lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ ngay lập tức sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết.
Trong một diễn biến khác, hôm 14-4, Tổng thống Obama cảnh báo Iran rằng chiến đấu cơ của nước này phải tôn trọng chủ quyền Iraq và trả lời cho chính phủ ở Baghdad trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Lực lượng dân quân người Shiite được Iran hậu thuẫn đã đóng một vai trò quan trọng và ngày càng tăng trong cuộc chiến chống IS tại Iraq. Nhà lãnh đạo Mỹ đề cao vai trò của lực lượng này nhưng cũng cảnh báo họ phải đặt dưới sự kiểm soát của Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi.
Bình luận (0)