Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma được Việt Nam và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Bộ Ngoại giao Philippines
Trung Quốc với yêu sách "đường lưỡi bò" đã tuyên bố chủ quyền gần hết biển Đông, được nhận định là giàu khoáng sản, dầu khí và đã trở thành một trong những điểm nóng tiềm năng lớn nhất châu Á. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam là những nước cũng tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này.
Báo cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành ngày 5-12 cho rằng tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đều “không rõ ràng và nhất quán”.
"Các đoạn 2, 3 và 8 xuất hiện trên bản đồ năm 2009 của Trung Quốc không chỉ tương đối gần với bờ biển thuộc đất liền của các nước khác, mà chúng còn nằm ngoài ranh giới 200 hải lý tính từ bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc đòi kiểm soát", các chuyên gia Mỹ phân tích.
Đáp trả, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đưa ra dựa trên các tuyên bố khác trong lịch sử. “Báo cáo của Mỹ bỏ qua những thông tin cơ bản và các nguyên tắc pháp lý quốc tế, đồng thời trái với lời hứa không đứng về phía nào”, ông Hồng Lỗi nói trong buổi họp báo thường nhật.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, báo cáo của Mỹ “không hề hữu ích cho việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông và cho sự hòa bình, ổn định” của vùng biển này. “Chúng tôi yêu cầu Mỹ phải giữ lời hứa, hành động và phát ngôn một cách thận trọng, có cái nhìn khách quan, công bằng đối với các vấn đề liên quan”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Trước đó, ngày 7-12, Trung Quốc lên án Philippines, cho rằng nước này gây áp lực cho Bắc Kinh do kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề tranh chấp biển đảo, một lần nữa từ chối tham gia vụ kiện một tuần trước hạn chót hồi đáp. Từ trước đến nay, Trung Quốc đã từ chối trọng tài quốc tế, khẳng định các vấn đề sẽ được giải quyết trên cơ sở song phương. Lần này, tòa án này quốc tế gia hạn cho Trung Quốc tới 15-12.
Bình luận (0)