Mỹ sẽ tận dụng mọi công cụ có sẵn để đáp trả những vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính nước này.
Cứng rắn nhưng thận trọng
Phát biểu cứng rắn trên được bà Lisa Monaco, cố vấn về an ninh nội địa và chống khủng bố của Nhà Trắng, đưa ra tại Diễn đàn An ninh Aspen (ASF) tại thị trấn Aspen, bang Colorado hôm 30-7, tức một ngày sau khi Ủy ban Dân chủ về chiến dịch quốc hội (DCCC) cho biết mình là một nạn nhân của tấn công mạng. Không những thế, truyền thông Mỹ đưa tin hệ thống máy tính được chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton sử dụng cũng bị tin tặc tấn công. Trước đó, Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) cũng bị tấn công mạng, dẫn đến vụ rò rỉ gần 20.000 email.
Bà Monaco từ chối bình luận về các vụ tấn công mạng trên, đang được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp điều tra. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định Washington sẽ sử dụng mọi công cụ có sẵn để xác định và đối phó các mối đe dọa trên không gian ảo, tương tự những gì đang làm trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay.
Bà cũng thừa nhận chính phủ Mỹ có thể sớm phải cân nhắc xem hệ thống bầu cử là một “hạ tầng thiết yếu” của đất nước, tương tự mạng lưới điện hoặc mạng di động. Trong động thái cho thấy sự thận trọng, bà Monaco cho biết bất cứ khi nào nghĩ về việc trả đũa, Mỹ cũng phải lường trước nguy cơ leo thang căng thẳng và sự hiểu lầm. Tuy nhiên, trong trường hợp vụ tấn công bị đánh giá là nghiêm trọng, Washington cần phải nói rõ sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ.
Vấn đề nghiêm trọng
Cũng tại ASF, nơi quy tụ nhiều quan chức tình báo và quân sự hàng đầu Mỹ, ông John O.Brennan, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), cho rằng hành động theo dõi các tổ chức chính trị của đối phương là bình thường nhưng việc công khai dữ liệu để tác động lên một cuộc bầu cử nào đó đã nâng hành động phá hoại lên “tầm cao mới”, khác xa với “cuộc chiến gián điệp” thông thường. “Một khi Mỹ xác định được ai đứng sau các vụ tấn công mạng, sẽ có những cuộc thảo luận ở cấp cao nhất của chính phủ về hành động phản ứng đúng đắn. Việc can thiệp vào quá trình bầu cử của Mỹ rõ ràng là vấn đề rất, rất nghiêm trọng” - ông Brennan cảnh báo nhưng không nói rõ danh tính nghi phạm.
Cho đến giờ, chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn chưa công khai cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công nhằm vào các hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ, được cho là nhằm thao túng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Tuy nhiên, các nhà điều tra tư nhân cho biết đã xác định được nghi phạm. Trong khi đó, giới chức tình báo Mỹ tin rằng Moscow phải có trách nhiệm. Cho dù thủ phạm là ai thì những vụ tấn công mạng mới nhất buộc Nhà Trắng đối mặt một câu hỏi hóc búa: Liệu Washington có đáp trả và, nếu có, thì trả đũa thế nào. Bản thân ông Obama cũng thừa nhận không dễ xử lý các cuộc xung đột trên mạng hiện nay bởi hiện chưa có hiệp ước, luật pháp quốc tế liên quan đến vấn đề này.
Ngay cả khi các nhà điều tra thu thập được bằng chứng, họ cũng khó có thể công khai chúng vì làm thế có thể tiết lộ mức độ xâm nhập vào hệ thống máy tính nước khác của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Thách thức lớn hơn nữa là làm thế nào Washington trả đũa hành động tấn công mạng của Nga, nếu có, mà không khiến căng thẳng leo thang hoặc làm tổn hại đến nỗ lực hợp tác với Moscow để xử lý các điểm nóng trên thế giới, như Syria. Đây không phải là lần đầu tiên ông Obama đau đầu vì vấn đề tin tặc liên quan đến Nga. Theo tờ The New York Times, chỉ 4 tháng sau khi nhậm chức năm 2009, nhà lãnh đạo này và nhóm cố vấn an ninh quốc gia nhận được cảnh báo từ các cơ quan tình báo Mỹ về khả năng tấn công mạng mạnh mẽ của Moscow.
Nga cũng là nạn nhân
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) hôm 30-7 cho biết các cơ quan chính phủ nước này vừa là nạn nhân của một vụ tấn công mạng chuyên nghiệp. Theo FSB, một virus gián điệp đã được phát hiện trong mạng máy tính của khoảng 20 cơ quan nhà nước và công ty. “Các nguồn tài nguyên công nghệ thông tin của các cơ quan chính phủ, các tổ chức khoa học, quân sự, các doanh nghiệp quốc phòng và những tổ chức khác liên quan đến hạ tầng thiết yếu đã bị nhiễm virus gián điệp độc hại” - tuyên bố nêu rõ.
Theo FSB, virus được ngụy trang như là một tập tin đính kèm trong email, cho phép người gửi đọc lén dữ liệu, nghe lén cuộc gọi, chụp ảnh màn hình, mở micro, webcam trên máy tính và theo dõi thao tác gõ bàn phím. Cơ quan này không cho biết họ nghi ngờ ai đứng sau cuộc tấn công mà chỉ nhận định hành động này được lên kế hoạch một cách chuyên nghiệp. Virus trên tương tự phần mềm được sử dụng trong các vụ gián điệp mạng xảy ra trước đó ở Nga và khắp thế giới. FSB nói thêm họ đang phối hợp với các bộ, cơ quan để xác định toàn bộ nạn nhân của vụ tấn công cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực do virus độc hại gây ra.
Thông tin trên được đưa ra giữa lúc Moscow bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ Mỹ (DNC). Vụ rò rỉ gần 20.000 email của DNC gần đây khiến đại hội toàn quốc DNC diễn ra trong rạn nứt, cũng như dẫn đến sự ra đi của chủ tịch đảng, bà Debbie Wasserman Schultz, bởi cáo buộc các quan chức DNC ưu ái bà Clinton và tìm cách cản trở chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã quy trách nhiệm vụ tấn công cho Nga, cho rằng hành động này nhằm giúp ích cho đối thủ Donald Trump của Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Moscow đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc “ngớ ngẩn” này, trong lúc chỉ trích những “luận điệu chống Nga” cũ rích đến từ Washington.
Phương Võ
Bình luận (0)