Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 25-5 cho biết nước này đã gửi công hàm phản đối các chuyến bay do thám của Mỹ. “Tự do hàng hải và hàng không không có nghĩa là tàu chiến và phi cơ quân sự nước ngoài có thể bỏ qua quyền lợi chính đáng của quốc gia khác hay an toàn di chuyển” - bà này nói.
Cùng ngày, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trên biển Đông là “khó tránh khỏi” trừ khi Washington ngừng yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt xây đảo nhân tạo tại khu vực này. Không những thế, tờ báo còn ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh “quyết tâm hoàn thành các công trình xây đảo đến cùng” bởi đây là “điểm mấu chốt quan trọng nhất” của Trung Quốc trên biển Đông.
“Nếu Mỹ kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải ngưng các hoạt động xây đảo thì chiến tranh Mỹ - Trung sẽ không thể tránh khỏi trên biển Đông. Mức độ khốc liệt của cuộc xung đột này sẽ cao hơn rất nhiều so với những gì người ta tưởng tượng” - tờ báo nổi tiếng với tư tưởng “diều hâu” này viết, đồng thời không quên nhắc nhở Bắc Kinh “chuẩn bị chu đáo cho khả năng chiến tranh với Washington”.
Đô đốc Harry Harris chỉ trích mạnh mẽ hành động xây đảo nhân tạo trái phép
của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: Reuters
Nhận định việc Mỹ điều máy bay P-8A Poseidon tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông, tiến sĩ Euan Graham từ Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc) nói đây là tín hiệu cho thấy Washington đang thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với những hành động sai trái của Trung Quốc.
Thêm vào đó, việc phóng viên Mỹ lần đầu tiên được phép tham gia chuyến tuần tra cho thấy giới chức Mỹ đang giúp công chúng nước này chuẩn bị tinh thần cho những cuộc đối đầu căng thẳng hơn với Trung Quốc ở biển Đông thời gian tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới đây đã công bố ý định đưa tàu hải quân và máy bay do thám áp sát các đảo nhân tạo nói trên. Vấn đề này có thể được thảo luận kỹ hơn trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Ngoài ông Carter, 2 ông Jack Reed và John McCain sẽ dẫn đầu đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam trong tuần này sau khi kêu gọi Bộ Quốc phòng Mỹ không mời Trung Quốc tới cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) vào năm tới như một sự trừng phạt đối với việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.
Thách thức sự ngông cuồng
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tạp chí Time trước khi nhậm chức Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ vào ngày 27-5 tới, Đô đốc Harry B. Harris Jr. tiếp tục chỉ trích những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông thời gian qua hoàn toàn đi ngược với luật pháp quốc tế khiến các nước láng giềng lo ngại, hủy hoại sự ổn định và hòa bình trong khu vực.
Chính ông Harris, với tư cách chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, cảnh báo Trung Quốc có ý đồ xây dựng “Vạn lý trường thành” bằng cát trên biển Đông thông qua hoạt động xây đắp đảo nhân tạo rầm rộ bằng cách phun cát lên các rạn san hô sống tại một hội thảo về hải quân tại Úc hồi cuối tháng 3.
Tạp chí National Interest (Mỹ) hôm 25-5 đăng tải bài viết nhấn mạnh đã đến lúc Washington cứng rắn với Bắc Kinh. Tác giả bài viết, chuyên gia Joseph Bosco, cựu chuyên viên các vấn đề Trung Quốc thuộc Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, khẳng định Bắc Kinh đang ráo riết mở rộng ảnh hưởng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Mỹ cũng như dư luận quốc tế.
Ông kêu gọi Mỹ hành động kiên quyết như hồi năm 2013 tại biển Hoa Đông sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Lúc bấy giờ, Washington lập tức điều 2 máy bay B-52 tới để thách thức bước đi ngông cuồng này bất chấp sự phản đối gay gắt của Bắc Kinh.
“Một khi Mỹ đã quyết định điều tàu và máy bay, đó không phải là động thái mang tính nhất thời hay tượng trưng mà phải là một bước khởi điểm cho những hành trình nhằm bình thường hóa sự lưu thông của các tuyến hàng hải” - vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tam giác Philippines - Mỹ - Nhật
Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 25-5 tuyên bố máy bay nước này sẽ tiếp tục bay phía trên những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông dù Bắc Kinh cảnh báo ra sao. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này từ chối cho biết liệu Manila và đồng minh Washington có bắt tay với nhau trong việc thách thức tuyên bố chủ quyền không phận phi lý của Bắc Kinh hay không.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho hay ông sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Ashton Carter tại Hawaii vào ngày 27-5 tới để “yêu cầu sự giúp đỡ nhiều hơn bởi chúng tôi đang bị bắt nạt”. Một nguồn tin quân sự cho Reuters biết ông Gazmin có thể đề nghị Washington cung cấp máy bay đã qua sử dụng, tàu chiến và hệ thống radar ven biển. Chưa hết, ông Gazmin sẽ tháp tùng Tổng thống Aquino đến Nhật Bản vào tuần sau để thảo luận tình hình biển Đông và khả năng Tokyo cung cấp vũ khí cho Manila.
Bình luận (0)