Cho tới ngày 11-7, Mỹ mới lên tiếng lần đầu tiên đối về việc Đức trục xuất trưởng đại diện CIA tại nước này. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh: “Các quốc gia đồng minh có hệ thống tình báo phức tạp như Mỹ và Đức đều hiểu rõ tính chất của các mối quan hệ và hoạt động tình báo. Những bất đồng trong lĩnh vực này được giải quyết hiệu quả qua các kênh riêng đã được thiết lập chứ không phải qua con đường truyền thông.
Tuy nhiên, giới chức Đức khẳng định dư luận trong nước này vốn đã một lần rúng động vì những tiết lộ của “người thổi còi” Edward Snowden về hoạt động thu thập và giám sát dữ liệu điện thoại di động của Thủ tướng Merkel, nên sẽ không thể tha thứ nếu không có lời cam kết công khai từ Washington nhằm chấm dứt các hoạt động gián điệp của Mỹ ở Đức.
“Tôi không phản đối đối thoại riêng, nhưng vẫn phải có những hành động cần công khai. Người dân Đức đang cực kỳ bất bình” – một quan chức Đức cho biết.
Vụ việc này được cho là sẽ phủ bóng đen lên cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier ở Vienna dù cho nội dung chính của cuộc gặp là vấn đề hạt nhân Iran
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (trái) và Thủ tướng Merkel Ảnh: AP
Trong một diễn biến đáng chú ý khác liên quan tới vụ việc một nhân viên Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND)- bị bắt giữ ngày 2-7 vì nghi ngờ làm gián điệp cho cơ quan tình báo Mỹ, Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ thông hiểu về vụ việc cho biết nghi phạm này có liên hệ với một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chứ không phải các cơ quan tình báo Mỹ. Tiết lộ này mở ra những nghi vấn liệu có hoạt động gián điệp trong vụ việc này.
Quan chức này khẳng định Chính phủ Mỹ tin rằng quan hệ giữa nghi phạm nói trên với Bộ Ngoại giao chỉ đơn thuần là bạn bè. Nếu điều này được chứng minh thì có thể phần nào xoa dịu bê bối liên quan đến bê bối trục xuất nói trên.
Bình luận (0)