Ông Evan rời bỏ vị trí giữa thời điểm Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết đoán trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông.
Do đóng vai trò là “kiến trúc sư chính” đối với chiến lược tái cân bằng ở châu Á của chính quyền Tổng thống Obama nên sự ra đi của vị cố vấn an ninh này khiến người ta nghi ngờ về sự thay đổi chính sách và chiến lược đối với Bắc Kinh của Washington trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh thay đổi nhân sự trên không có nghĩa là Mỹ sẽ thay đổi chính sách đối với Trung Quốc. Các chuyên gia chính sách nước ngoài tại Washington cho rằng quyết định của ông Evan mang tính cá nhân vì sau một thời gian dài làm việc tại NSC, bất cứ quan chức nào cũng cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng do cường độ làm việc chịu áp lực cao.
Michael Green, nhà phân tích đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – từng có thời gian làm giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á của NSC dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định: “Trong số các đồng minh, Evan được đánh giá cao về cách tiếp cận chiến lược của mình. Không có gì bàn cãi khi ông ấy từ chức vì lý do cá nhân”.
Theo người phát ngôn của NSC Alistair Baskey, Evan đóng vai trò là kiến trúc sư chính của chiến lược tái cân bằng châu Á dưới thời Tổng thống Obama. Ông giúp cơ cấu lại nội dung và hoạt động của chính sách đối với Trung Quốc, đồng thời mô tả Bắc Kinh như một lực lượng “khác biệt và nổi bật” trong khu vực để đề ra biện pháp đối phó thích hợp.
Trước khi đảm nhận vị trí trên, ông Evan từng làm giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc của NSC. Người thay thế ông Evan là Daniel Kritenbrink, một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Ông Kritenbrink cũng là một nhân vật am hiểu về Trung Quốc và từng làm việc ở Nhật Bản.
Nhưng trước mắt, một số nhà phân tích cho biết việc ông Evan từ chức có nghĩa là sẽ khó có đột phá ngoại giao nào xuất hiện tại khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến thăm Mỹ vào tháng 9 tới.
Bình luận (0)