Mục đích của Hiệp ước kiểm soát hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu (ATT) nói trên là ngăn vũ khí truyền thống, từ súng nhỏ cho đến xe tăng và trực thăng tấn công, rơi vào tay những kẻ vi phạm nhân quyền và bọn tội phạm thông qua các giao dịch xuyên biên giới.
Các nhà hoạt động cho biết cứ mỗi phút lại có một người thiệt mạng vì bạo lực liên quan đến vũ khí và sự ra đời của ATT là cần thiết để kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động mua bán trên thị trường này.Tuy nhiên, nhiều thượng nghị sĩ và những nhóm vận động về quyền sử dụng súng ở Mỹ, như Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA), chỉ trích ATT đe dọa chủ quyền đất nước và vi phạm tu chính án thứ 2 của Hiến pháp, theo đó bảo đảm quyền mang súng của công dân.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ký Hiệp ước kiểm soát hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu hôm 25-9
Ảnh: AP
Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, trở thành nước thứ 91 ký ATT. Sau khi đặt bút ký, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ghi nhận rằng Washington đã kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu hầu hết loại vũ khí được nhắc đến trong hiệp ước nên tác động của nó đối với các nhà sản xuất trong nước là không đáng kể. Ông cũng nói thêm rằng hiệp ước sẽ không vi phạm những quyền công dân được quy định trong Hiến pháp Mỹ.
Mỹ cũng là một trong số 17 nước ký hiệp ước hôm 25-9, nâng tổng số nước ký lên 107. Ngoài ra, đã có thêm 2 nước phê chuẩn hiệp ước, nâng con số này lên 6. Hiệp ước cần 50 nước phê chuẩn để có hiệu lực. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nhận định rằng việc nước Mỹ, chiếm 80% lượng vũ khí xuất khẩu trên thế giới mỗi năm, ký hiệp ước là một diễn biến quan trọng đối với tương lai của nó.
Bình luận (0)