Không lâu sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng kêu gọi Mỹ "chung sống hòa bình", chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 9-7 có một loạt bước đi đe dọa khiến Bắc Kinh thêm giận dữ.
Trong động thái gây nhiều chú ý nhất, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên 4 quan chức Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến hành vi trấn áp cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo tại Khu tự trị Tân Cương. Trong số này có ông Trần Toàn Quốc, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tân Cương và là một ủy viên Bộ Chính trị. Theo Reuters, ông Trần Toàn Quốc được xem là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất từng bị Washington trừng phạt.
Ông Trần Toàn Quốc, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tân Cương, được xem là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất từng bị Mỹ trừng phạt.Ảnh: REUTERS
Các biện pháp trừng phạt được áp đặt theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu, theo đó cho phép chính phủ Mỹ nhắm vào những người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trên thế giới bằng cách phong tỏa bất kỳ tài sản nào của họ ở Mỹ, cấm nhập cảnh và cấm người Mỹ làm ăn với họ. Vì thế, theo một quan chức Mỹ, động thái trên không chỉ mang tính biểu tượng mà còn tác động đến khả năng đi lại và làm việc trên thế giới của các quan chức Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen.
Không dừng lại ở đó, Mỹ có nguy cơ chọc giận Trung Quốc hơn nữa khi lần lượt phê chuẩn 2 thương vụ liên quan đến vũ khí cho Đài Loan và Nhật Bản.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 9-7, thương vụ trị giá 620 triệu USD với Đài Loan là những thành phần nhằm nâng cấp kho tên lửa đất đối không Patriot. Đài Loan đang tăng cường khả năng phòng vệ để đối phó điều mà hòn đảo này xem là những động thái đe dọa đang gia tăng của Bắc Kinh, như các cuộc tập trận của không quân và hải quân Trung Quốc gần lãnh thổ này.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết đây là hợp đồng vũ khí thứ 7 của chính quyền Tổng thống Donald Trump dành cho hòn đảo này cho đến giờ. Bắc Kinh lâu nay vẫn thường xuyên lên án các thỏa thuận vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đã phê chuẩn thương vụ bán 105 chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Nhật Bản. Tuyên bố của bộ này nêu rõ thỏa thuận trị giá khoảng 23,11 tỉ USD này sẽ cải thiện an ninh của Nhật Bản, một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, việc hỗ trợ Nhật Bản phát triển và duy trì năng lực phòng vệ mạnh mẽ, hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích quốc gia Mỹ. Chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh mua sắm chiến đấu cơ và hệ thống phòng thủ tên lửa trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang xấu đi vì tranh cãi về vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung được cho là đang ở mức thấp nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao song phương được nối lại vào năm 1979, ông David Helvey, quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho rằng Washington cần "những chiến lược lâu dài" và "đối tác cùng chí hướng" để cạnh tranh với Bắc Kinh trong "cuộc đua marathon" nhằm lãnh đạo trật tự quốc tế.
Nhật, Úc lo ngại tình hình biển Đông
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Úc Scott Morrison đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về một loạt động thái khác nhau ở biển Hoa Đông và biển Đông tại cuộc gặp trực tuyến hôm 9-7. Phó chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Naoki Okada cho biết thông tin trên nhưng từ chối nói rõ có phải mối quan ngại trên liên quan đến Trung Quốc hay không. Trong khi đó, theo Reuters, tuyên bố của chính phủ Úc cũng nêu rõ hai nhà lãnh đạo trên đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về những diễn biến tiêu cực gần đây trên biển Đông, trong đó có hoạt động quân sự hóa.
Trong động thái khác nhằm gây sức ép lên Trung Quốc, Ấn Độ có kế hoạch mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar, dự kiến diễn ra tại vịnh Bengal vào cuối năm nay. Nếu diễn ra, theo trang Bloomberg, đây sẽ là lần đầu tiên cuộc tập trận này có sự tham gia của Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Úc - một nhóm thường được gọi là "tứ giác kim cương". Bước đi này được cân nhắc sau khi căng thẳng tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc leo thang thời gian gần đây.
Bình luận (0)