Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố: “Chúng tôi tôn trọng truyền thống cũng như luật pháp của Hồng Kông, bao gồm quyền tự do được quốc tế công nhận, người dân được sống trong hòa bình và tự do ngôn luận”.
Bất chấp việc chính quyền Bắc Kinh có thể nổi giận, bà Marie Harf nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng một xã hội dân chủ trong khuôn khổ pháp luật là cần thiết cho sự ổn định và phát triển thịnh vượng của Hồng Kông”.
Hôm 1-7, hơn 500.000 người dân Hồng Kông mang theo cờ và khẩu hiệu tuần hành trên đường phố để phản đối sự kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất kể từ khi Hồng Kông được Vương quốc Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lãnh đạo kế tiếp của Hồng Kông sẽ được bầu ra vào năm 2017 tới. Theo bà Marie Harf, ứng cử viên này nếu đại điện cho ý chí và nguyện vọng của toàn bộ cử tri Hồng Kông sẽ là một điều thỏa đáng và tăng cường tính hợp pháp tại khu bán đảo tự trị.
Cảnh sát Hồng Kông giải tán người biểu tình hôm 1-7. Ảnh: AP, Reuters
Sáng sớm 2-7, hàng trăm cảnh sát được huy động để giải tán người biểu tình tập trung tại trung tâm thương mại Hồng Kông. Cảnh sát bao vây nhóm biểu tình ở khu vực Chater Road, gần tòa nhà Hội đồng Lập pháp thành phố và cảnh báo sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Tổng cộng 511 người đã bị bắt giữ với cáo buộc nhóm họp bất hợp pháp và cản trở cảnh sát thi hành công vụ.
Người dân Hồng Kông biểu tình kêu gọi một cuộc bầu cử dân chủ, mọi ứng viên có thể tham gia. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ muốn những thành viên ủng hộ Bắc Kinh có tên trên phiếu bầu.
Bình luận (0)