Phát biểu trên đài NBC, ông Obama nói: “Lựa chọn trước nay của tôi luôn là giải pháp ngoại giao cho vấn đề Syria. Nhưng việc Assad giao nộp vũ khí hóa học là chưa đủ để giải quyết tận gốc rễ cuộc xung đột bên trong Syria”.
Tổng thống Obama trả lời phỏng vấn đài CBS. Ảnh: Reuters
Tại Thượng viện Mỹ, sau ngày đầu tranh luận 9-9, thời điểm bỏ phiếu có cho Mỹ can thiệp quân sự vào Syria hay không được ấn định là 11-9. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Harry Reid quyết định hoãn bỏ phiếu để các nghị sĩ bàn thêm về đề xuất của Nga.
Ngày 9-9 được gọi là ngày bất thường của ngoại giao khi những chuyến đi con thoi đã tạo ra diễn biến bất ngờ. Tại London – Anh, khi phóng viên hỏi chính phủ Assad có cách nào để ngăn Mỹ tấn công hay không, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đáp: “Có! Ông ta có thể giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế trong tuần tới. Giao không chậm trễ, giao toàn bộ và cho phép quốc tế thống kê chúng. Nhưng ông ta sẽ không làm thế đâu và điều này sẽ không thành hiện thực”.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó nói ông Kerry đã có một cuộc tranh luận “quá lời”. Thế nhưng, chưa đến 5 giờ sau đó, Nga chớp cơ hội thúc giục Syria đặt các cơ sở chứa vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế để tránh bị tấn công. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem đang ở thăm Moscow cũng nhanh chóng “hoan nghênh” đề xuất này dù không nói rõ Syria sẽ làm gì.
Tiếp đó, ông Kerry gọi điện thẳng cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nói rằng những gì ông nói không phải là đề xuất và Mỹ “không muốn đùa”. Theo ông Kerry, Mỹ sẽ cân nhắc mọi đề xuất nghiêm túc nhưng đó không thể là lý do làm chậm các nỗ lực của Nhà Trắng để được quốc hội cho phép tấn công Syria.
Biểu tình phản đối chiến tranh tại Syria trước Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Không chỉ Mỹ, các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng phản ứng tích cực – dù còn e dè – với đề xuất của Nga. Thủ tướng Anh David Cameron ctuyên bố “sẽ có bước tiến lớn” nếu Syria giao nộp vũ khí hóa học, song cũng nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần đảm bảo ý tưởng này không trở thành "chiến thuật đánh lạc hướng" hay câu giờ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng có ý kiến tương tự, trong khi Tổng thống Israel Shimon Peres thì bày tỏ nghi ngờ, cho rằng đề xuất của Nga khó giải quyết vì chính phủ Syria "không thể tin tưởng được".
Trong khi đó, sau cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama cùng ngày 9-9, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận xét đề xuất của Nga là "một bước đi quan trọng", đồng thời cho rằng Moscow cần tận tâm hỗ trợ các nỗ lực quốc tế.
Phe nổi dậy chỉ trích chính phủ Syria đang câu giờ bằng đề xuất của Nga. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)