Chính quyền bang California - Mỹ đêm 12-2 (giờ địa phương) thông báo nguy cơ vỡ đập Oroville không còn nghiêm trọng như trước nhưng hàng trăm ngàn người dân vẫn chưa được về nhà.
Cảnh sát trưởng hạt Butte, ông Kory Honea, nhấn mạnh không muốn đem sự an toàn của người dân ra mạo hiểm. “Tôi không dỡ bỏ lệnh sơ tán cho đến khi biết rõ hơn về tình hình và những rủi ro” - ông Honea nói.
Mưa to, tuyết rơi dày
Trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ vỡ đập, nhà chức trách đã huy động trực thăng chở đá thả xuống những vết nứt trong khu vực.
Trước đó, Sở Tài nguyên nước California tuyên bố không có nguy cơ đập chính vỡ mà chỉ một đập tràn khẩn cấp bị ảnh hưởng. “Đập Oroville là một cấu trúc riêng biệt, không liên quan đến đập tràn phụ” - tuyên bố khẳng định.
Tờ The Sacramento Bee dẫn lời ông Bill Croyle, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên nước California, cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình của đập tràn chính. Miễn là đập tràn chính không bị gì, ông Croyle tin có thể xả 1,48 tỉ m3/ngày, tương đương 1/3 tổng công suất của hồ chứa.
Thông tin trên có thể phần nào xoa dịu nỗi lo của khoảng 188.000 người được lệnh sơ tán khẩn cấp. Nhà chức trách khẳng định không xảy ra tình trạng cướp bóc, hôi của và những hành động phạm pháp khác liên quan đến chiến dịch sơ tán.
Thống đốc bang California Jerry Brown ban hành lệnh khẩn cấp để giúp chính quyền những địa phương bị ảnh hưởng xử lý công việc sơ tán và những hoạt động cần thiết khác. Chính quyền cũng cung cấp nơi trú ẩn, huy động Vệ binh quốc gia, trực thăng và máy bay cứu hộ. Theo AP, đây là cảnh báo đầu tiên được đưa xuống toàn bộ Vệ binh quốc gia California kể từ năm 1992.
Mưa lớn và tuyết dày trút xuống California mùa đông này làm hồ chứa của đập Oroville bị tràn, dù trước đó nó trải qua 4 năm hạn hán. Hôm 10-2, nhà chức trách cho xả bớt nước sau khi nhiều mảng bê tông từ đập tràn được phát hiện dưới kênh. Đến ngày kế tiếp, nước bắt đầu chảy qua đập tràn khẩn cấp sau khi mưa lớn làm hư hại đập tràn phụ.
Đập Oroville nằm ở thượng nguồn phía Đông TP Oroville, địa phương có 16.000 dân. Con đập cao 230 m, được xây dựng từ năm 1962-1968, hơn con đập nổi tiếng Hoover khoảng 12 m.
Cháy rừng hoành hành
Trong khi đó, nước Úc đang chứng kiến đợt nắng nóng kỷ lục và những vụ cháy rừng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở 5 khu vực nông thôn bang New South Wales vào trưa 12-2 (giờ địa phương). Nhà chức trách khuyến cáo người dân sơ tán, tìm nơi trú ẩn và tránh khu vực đồng cỏ.
Theo thống kê, ít nhất 19 căn nhà bị phá hủy sau khi hơn 100 đám cháy bùng phát cuối tuần qua. Khoảng 2.500 nhân viên cứu hỏa được triển khai để khống chế các đám cháy. Dù vậy, ông Shane Fitzsimmons, Đội trưởng Sở Cứu hỏa Nông thôn bang New South Wales, cho hay khoảng 80 đám cháy vẫn hoành hành hôm 13-2, trong đó 25% vụ nằm ngoài tầm kiểm soát.
Theo đài BBC, tình trạng cháy rừng hiện nay còn tồi tệ hơn các vụ cháy khiến 173 người thiệt mạng ở bang Victoria năm 2009. May mắn là chưa có trường hợp tử vong nào xảy ra. Hiện chỉ mới có một người nhập viện ở TP Sydney vì bị phỏng và một số nhân viên cứu hỏa bị sốc nhiệt. Ngoài ra, nhiều máy móc, thiết bị bị phá hủy và ngành chăn nuôi chịu không ít tổn thất.
Gió Tây Bắc nóng khô từ sa mạc có vận tốc lên đến 75 km/giờ làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng. Chưa hết, một số nơi ở bang New South Wales ghi nhận nhiệt độ có lúc tăng lên hơn 47 độ C trong những ngày qua. Một bé trai 13 tuổi và một người đàn ông 40 tuổi hôm 12-2 bị buộc tội gây ra các vụ cháy rừng ở địa phương này.
Bình luận (0)