Chính quyền Tổng thống Barack Obama tuyên bố không liên minh với Iran để chống lại IS, một phần vì Tehran tiếp tục hỗ trợ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà Washington đang muốn lật đổ.
Một giáo sĩ Iran cấp cao cho biết kể từ khi trỗi dậy ở miền Bắc Iraq từ tháng 6 năm nay, Tehran đã gửi hơn 1.000 cố vấn quân sự, các đơn vị tinh nhuệ và viện trợ quân sự 1 tỉ USD cho Baghdad, bên cạnh các cuộc không kích. Trong mắt giới chức chính quyền Obama, vai trò này của Iran là điều có thể chấp nhận được lúc này bởi hai nước có cùng mục tiêu là đánh bại IS.
Tuy nhiên, việc Washington triển khai thêm cố vấn quân sự tới Iraq khiến một số quan chức Mỹ e ngại xung khắc có thể nảy sinh giữa lực lượng Mỹ và Iran giữa lúc hai bên vẫn còn không ít bất đồng, đặc biệt là về vấn đề hạt nhân của Tehran.
Iran đã hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng người Shiite ở Iraq chống IS. Ảnh: Reuters
Sau khi Washington rút quân khỏi Iraq năm 2011, Iran nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tại Iraq. Lực lượng quân sự Tehran đóng góp một vai trò đáng kể giúp quân đội Iraq và người Shiite bảo vệ đất nước khỏi bị những kẻ Hồi giáo cực đoan xâm chiếm.
Theo cựu đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey, chính quyền Obama có vẻ đã sai lầm vì không thực hiện chiến dịch không kích IS ngay từ khi nhóm này bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ ở Iraq vào mùa hè này.
Dù giới chức Iraq kêu gọi Mỹ hỗ trợ nhưng Nhà Trắng tỏ ra thất vọng về các chính sách của cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki nên không trợ giúp. Chỉ đến khi IS bành trướng, trở thành mối đe dọa toàn cầu thì Washington mới ra tay can thiệp.
Trong suốt thời gian đó, người Kurd – đồng minh của Mỹ tại Iraq – nhận vũ khí từ Iran để bảo vệ quê hương. Sự thoái lui của quân đội Iraq hồi tháng 6 cũng là cơ hội để lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, bao gồm các nhóm Badr Brigade, Kataib Hezbollah (tổ chức bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố), Asaib Ahl al-Haq hoạt động công khai.
Người Mỹ sẽ cảm thấy khó chịu trước tầm ảnh hưởng mạnh của các nhóm dân quân được Iran chống lưng. Tuy nhiên, so với lần can thiệp vào Iraq năm 2003, quân đội Mỹ lần này bị giới hạn phạm vi hoạt động, chỉ làm cố vấn quân sự mà không tham chiến trực tiếp.
Dù vậy, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Washington vẫn lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu khi Mỹ gửi một số lượng đáng kể binh sĩ tới Iraq, lần gần đây nhất bổ sung thêm 3.000 quân nhân.
Các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Obama nhận định Mỹ sẽ ngăn chặn được thế lực của phong trào dân quân do Iran hậu thuẫn bằng cách giúp xây dựng quân đội Iraq theo hướng tinh giản nhưng mạnh mẽ, kết hợp với lực lượng bán quân sự người Shiite và Sunni bản địa để giảm thiểu ảnh hưởng của Iran.
Trong một diễn biến liên quan, Chuẩn Tướng Hamid Taqavi – chỉ huy Vệ binh Cách mạng Iran đang huấn luyện quân đội Iraq và lực lượng dân quân người Shiite chống lại Nhà nước Hồi giáo ở TP Samarra – bị một tay súng bắn tỉa giết chết, truyền thông Iran đưa tin hôm 28-12.
Tay súng núp sau một trạm biến áp và bắn chết tướng Taqavi, một cựu chiến binh trong cuộc chiến giữa Iran và Iraq gia đoạn 1980 - 1988.
Bình luận (0)