Bộ Ngoại giao Mỹ tin rằng việc cho phép Nga xây trạm giám sát trên “sân nhà” sẽ giúp cải thiện quan hệ song phương đang xuống thấp bởi những bất đồng xung quanh vấn đề tị nạn của “người thổi còi” Edward Snowden và cuộc khủng hoảng Syria.
Dù vậy, các cơ quan tình báo Mỹ và Lầu Năm Góc lo ngại những cơ sở này có thể được dùng để giúp Nga do thám Mỹ và cải thiện độ chính xác của loại vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh. Đáp lại, phía Nga khẳng định những trạm giám sát dự định đặt tại Mỹ chỉ được thiết kế để nâng cao chất lượng hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu của mình (gọi là Glonass).
Trạm giám sát dành cho Glonass của Nga ở Brazil Ảnh: The New York Times
Báo The New York Times hôm 16-11 dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng cho biết cuộc tranh cãi trở nên gay gắt đến nỗi quyết định cuối cùng về vấn đề trên đã bị trì hoãn để chờ các cơ quan tìm được tiếng nói chung. Washington còn yêu cầu Moscow cung cấp thêm thông tin để xoa dịu nỗi lo do thám.
Một số nghị sĩ Mỹ cũng tỏ thái độ hoài nghi về Glonass và yêu cầu chính quyền Tổng thống Barack Obama trả lời. Nghị sĩ Mike D. Rogers, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nói: “Tôi muốn biết lý do tại sao Mỹ lại muốn hỗ trợ một đối thủ cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu của mình (gọi tắt là GPS) vào thời điểm sự phụ thuộc của thế giới đối với GPS giúp Washington có lợi thế trong nhiều lĩnh vực”. Ông Rogers vừa yêu cầu Lầu Năm Góc đưa ra đánh giá về tác động của đề xuất trên đến an ninh quốc gia.
An ninh cũng là nỗi lo của Nga nếu thế giới quá phụ thuộc vào GPS. Moscow cho rằng sự thống trị của GPS có thể giúp Washington hưởng lợi về mặt quân sự. Theo một số nhà phân tích, nỗi lo lớn nhất là Mỹ có thể lợi dụng tín hiệu vệ tinh để gửi thông tin sai đến lực lượng vũ trang Nga. Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định: “Họ (nước Nga) không muốn phụ thuộc vào các hệ thống của Mỹ. Họ tin rằng những hệ thống của mình sẽ giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước”.
Đó là lý do Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ưu tiên cải thiện chất lượng Glonass với hy vọng hệ thống không chỉ giúp ích cho các lĩnh vực quân sự, dân sự trong nước mà còn trở thành đối thủ của GPS trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, Nga đã mở một trạm giám sát ở Brazil vào đầu năm nay, đồng thời tìm kiếm những thỏa thuận tương tự với Tây Ban Nha, Indonesia và Úc. Mỹ cũng có các trạm giám sát khắp thế giới nhưng không có cơ sở nào ở Nga.
Bình luận (0)