Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, cho hay khi máy bay ném bom Tu-95 của Nga bay gần không phận Mỹ và Canada hồi tuần trước, họ phải điều chiến đấu cơ ngăn chặn.
Ông Locklear cho biết Lầu Năm Góc sẽ xem xét cẩn thận việc Moscow gia tăng trở lại các chuyến bay của máy bay ném bom tầm xa, hiện tượng chưa từng thấy trong một thập kỷ qua.
Vị đô đốc khẳng định các cuộc xâm nhập của máy bay ném bom Nga vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Mỹ “cơ bản là hoạt động chiến tranh lạnh với sự tham gia của các máy bay ném bom tầm xa”.
Máy bay F-15 của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân Elmendorf (hiện tại là Joint Base Elmendorf Richardson)
kè sát một chiếc Tu-95 của Nga gần Alaska năm 2006. Ảnh: Wikipedia
Chỉ tính riêng 2 tuần vừa qua, không quân Mỹ và Canada 2 lần phải điều chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay Nga trên bờ biển Alaska và Canada. Lúc 19 giờ ngày 17-9 (giờ địa phương), 2 máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ được điều động để chặn 6 máy bay quân sự Nga - bao gồm 2 chiến đấu cơ Mig-31, 2 máy bay tiếp liệu IL-78 và 2 máy bay ném bom tầm xa - trên không phận bờ biển Alaska.
Sau đó vài giờ, ngày 18-9 (giờ địa phương), Canada cũng huy động 2 chiến đấu cơ F-18 chặn 2 máy bay ném bom tầm xa của Nga, trên khu vực biển Beaufort.
Do máy bay Nga không xâm phạm không phận của 2 nước nên không xảy ra sự cố nghiêm trọng. Báo Globe and Mail cùng một số phương tiện truyền thông Mỹ dẫn lời giới chức cấp cao nước này cho rằng 2 vụ xâm nhập kể trên có liên quan đến chuyến thăm hồi tuần trước của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tới Mỹ và Canada.
Theo Bộ chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD), trong 5 năm qua, họ đã chặn hơn 50 máy bay ném bom thông thường của Moscow. Phía Nga giải thích đây là các máy bay đang tham gia đợt huấn luyện quân sự và không có ý đồ nào khác.
Bình luận (0)