Một quan chức quốc phòng Mỹ vừa tiết lộ Triều Tiên trong vòng 6-18 tháng tới có thể chế tạo một quả bom khinh khí, còn gọi là bom nhiệt hạch hay bom H, có tiềm năng giết chết hàng triệu người.
Sức công phá "khủng"
Vào đầu năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên đã thử nghiệm một quả bom H. Khi đó, hầu hết chuyên gia đều bác bỏ tuyên bố này. Tuy nhiên, vẫn có một số báo cáo đến từ Hàn Quốc quả quyết Triều Tiên có thể "chỉ còn cách bom H một cấp độ".
Một quả bom H có sức công phá mạnh hơn gấp nhiều lần so với 2 quả bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), dẫn đến kết thúc thế chiến thứ II năm 1945.
Nếu các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không chặn được bom H của Triều Tiên rơi xuống thủ đô Washington, nó có thể giết chết 500.000 người và làm bị thương 900.000 người. Còn nếu bom H ném xuống TP New York, con số tử vong có thể lên đến hơn 1,7 triệu người.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (bìa phải) chỉ đạo vụ thử nghiệm ICBM đêm 28-7Ảnh: KCNA/REUTERS
Khi phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 28-7, Triều Tiên đã chứng tỏ mình có năng lực bắn trúng nhiều khu vực thuộc nửa lãnh thổ phía Tây nước Mỹ. Một số chuyên gia thậm chí còn nhận định ICBM đó có thể bay đến Chicago, New York hoặc ngay cả thủ đô Washington. Trước đó, Triều Tiên từng chứng tỏ nước này có bom nguyên tử bằng cách thử nghiệm chúng.
Điều đáng lo là nhiều chính khách, viên chức quốc phòng và chuyên gia Mỹ xem đó là mối đe dọa xa vời, như thể người Mỹ còn có thời gian để ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân.
Một số nhà chuyên môn có thể lập luận rằng người Mỹ không có chứng cứ rõ ràng cho thấy Triều Tiên đã phát triển được một quả bom nguyên tử đủ nhỏ để gắn vào đầu đạn trên ICBM. Người ta cũng không chắc chắn Triều Tiên đã phát triển một quả bom H mạnh hơn hay đã hoàn thiện cách bảo vệ đầu đạn hạt nhân để nó có thể quay lại bầu khí quyển và bắn trúng mục tiêu.
Tuy nhiên, ông Harry J. Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia, cho rằng đây là những trở ngại trên tuy lớn nhưng không phải là không thể vượt qua.
Nguy cơ từ những vụ thử bất ngờ
Ngay cả khi chưa thể vươn tới lục địa Mỹ như cảnh báo, tên lửa Triều Tiên vẫn có nguy cơ đe dọa các máy bay thương mại trong quá trình phóng thử. Nỗi lo này càng tăng sau khi ICBM của Triều Tiên đã bay ngang qua đường bay của chuyến bay 293 của hãng hàng không Air France (Pháp) đi từ TP Tokyo - Nhật đến TP Paris - Pháp trong quá trình phóng hôm 28-7.
Đài BBC cho biết máy bay này đã bay ngang qua điểm tên lửa rơi khoảng 10 phút sau đó. Còn Lầu Năm Góc xác nhận tên lửa nói trên đã bay qua một khoảng không gian có nhiều máy bay qua lại.
Trong động thái giảm thiểu rủi ro, Air France hôm 4-8 thông báo sẽ mở rộng khu vực cấm bay quanh Triều Tiên.
Thông qua vụ việc trên, giới phân tích tiếp tục nêu bật mối quan ngại về chuyện Triều Tiên mở rộng phạm vi thử nghiệm gần các đường bay bên trên lãnh hải Nhật Bản nhưng không hề cảnh báo trước.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis nhấn mạnh "các quốc gia có trách nhiệm" sẽ đưa ra thông báo trước khi thực hiện các vụ thử tên lửa bởi nếu không làm thế, các máy bay, tàu thuyền và tàu vũ trụ gặp nguy hiểm.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đã phát cảnh báo đến mọi tàu thuyền, máy bay hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình 8 phút sau khi tên lửa Triều Tiên được phóng. Air France xác nhận đã nhận được cảnh báo nhưng nói thêm thông điệp này không nói rõ hãng hàng không phải làm gì.
Cô lập về ngoại giao
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson không có kế hoạch gặp Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho khi 2 ông cùng tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN tại thủ đô Manila - Philippines ngày 7-8 tới. Sự kiện này diễn ra không lâu sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ hai của Triều Tiên hôm 28-7.
Theo quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton hôm 2-8, Washington vẫn đang trong giai đoạn gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng để nước này càng thêm bị cô lập về ngoại giao, từ đó buộc phải chấm dứt thử tên lửa và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Một trong những nỗ lực như thế của Mỹ là thuyết phục các nước loại Triều Tiên khỏi ARF với lý do đi ngược lại những mục tiêu ngăn xung đột của diễn đàn. Bình Nhưỡng được mời tham dự ARF từ năm 2000 và năm nay vẫn hiện diện tại diễn đàn bất chấp ông Tillerson thúc giục các nước Đông Nam Á giảm quan hệ ngoại giao với nước này.
Dù vậy, theo AP, đây không phải là chuyện dễ bởi ARF không có thủ tục nào liên quan đến việc trục xuất và ra quyết định dựa trên sự đồng thuận. Vì thế, bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm vào Triều Tiên cũng có thể bị đánh bại bởi bất kỳ nước nào, như Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo ở Manila hôm 3-8, theo trang Philtar.com, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho biết nước này sẽ không loại Triều Tiên khỏi ARF, đồng thời nhấn mạnh chính giới lãnh đạo Triều Tiên mới là bên quyết định họ có rời ARF hay không. Cũng theo ông Bolivar, tình hình bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ được thảo luận tại ARF sắp tới. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ hy vọng đi cùng với những phát biểu lo ngại là cơ hội thúc đẩy đối thoại để giải quyết vấn đề gai góc này.
Theo dự thảo tuyên bố chung được Philippines đưa ra với tư cách là chủ tịch ARF, các bộ trưởng ngoại giao ARF sẽ bày tỏ quan ngại sâu sắc về những vụ thử tên lửa, hạt nhân gần đây của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ lập tức nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và kiềm chế vì lợi ích của "hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực và trên thế giới".
Ngay cả ông Tillerson hôm 1-8 cũng tuyên bố Mỹ sẵn sàng nói chuyện với Triều Tiên trước khi lên đường công du 3 nước Philippines, Thái Lan và Malaysia từ ngày 5 đến 9-8. Dù vậy, bà Thornton ghi nhận rằng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng tham gia một cuộc đối thoại nghiêm túc như thế.
Trả lời phỏng vấn kênh MSNBC hôm 2-8, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Ngoài ra, ông McMaster nhận định tình hình liên quan đến Triều Tiên trở thành "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với Mỹ. HOÀNG PHƯƠNG
Bình luận (0)