Đô đốc Cecil D. Haney, Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (Stratcom), đưa ra thông tin trên hôm 13-8 và cho biết: “Việc Trung Quốc tìm cách vũ khí hóa không gian trong những vụ thử nghiệm tên lửa như thế gây lo ngại lớn đối với những nước phụ thuộc vào không gian, trong đó có Mỹ”.
Giới chức Mỹ cho biết loại tên lửa DN-1 mà Trung Quốc bắn thử hôm 23-7 được thiết kế để phá hủy vệ tinh bay ở quỹ đạo trái đất tầm thấp. Bắc Kinh cho đến giờ không thừa nhận thông tin này mà chỉ nói đã thử nghiệm một hệ thống tên lửa đánh chặn.
Trước đó, hồi tháng 5-2013, Trung Quốc thử nghiệm loại tên lửa DN-2 mà Mỹ cho là dùng để tiêu diệt vệ tinh bay ở quỹ đạo trái đất tầm cao.
Đô đốc Cecil D. Haney lo ngại về các vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc
Ảnh: AP
Ngoài ra, theo trang tin The Washington Free Beacon, hồi tháng 1-2007, Bắc Kinh có thể đã dùng tên lửa để phá hủy một vệ tinh cũ của mình trên quỹ đạo, tạo ra hàng ngàn mảnh vỡ nguy hiểm trong không gian.
Ông Frank Rose, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, chỉ trích việc phát triển và thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc đang gây mất ổn định và đe dọa môi trường an ninh lâu dài của không gian.
Không chỉ không gian, Mỹ còn lo ngại những hành vi gây căng thẳng trên biển của Trung Quốc. Trong bài diễn văn đọc ở Hawaii hôm 13-8 nhân kết thúc chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Washington rất quan tâm đến cách giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và hành vi ở biển Đông và Hoa Đông.
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc hăm dọa, ép buộc hoặc dùng vũ lực để áp đặt tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hoặc lãnh hải. Chúng tôi cũng không chấp nhận suy nghĩ chỉ có nước lớn mới có đặc quyền cho phép nước nhỏ đi lại trên biển, trên không và sử dụng hợp pháp các vùng biển, không phận" - ông Kerry khẳng định.
Bình luận (0)