Mỹ hôm 23-5 xác nhận thủ lĩnh Taliban tại Afghanistan Mullah Akhtar Mansour bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của máy bay không người lái Mỹ. Theo Reuters, đích thân ông Obama đã bật đèn xanh cho cuộc không kích tại một khu vực hẻo lánh tại tỉnh Paluchistan, gần biên giới Pakistan - Afghanistan 2 ngày trước đó.
Chiến lược không đổi
Mỹ cho biết lý do Mansour bị đưa vào tầm ngắm là hắn không chịu hòa đàm với Kabul, đồng thời “tiếp tục âm mưu tấn công lực lượng Mỹ và liên quân” ở Afghanistan. “Kể từ khi Mansour lên làm thủ lĩnh, Taliban đã làm thiệt mạng hàng chục ngàn dân thường và thành viên lực lượng an ninh Afghanistan cũng như nhiều binh lính Mỹ và liên quân” - Lầu Năm Góc khẳng định.
Vì thế, theo ông chủ Nhà Trắng, cái chết của Mansour phát đi tín hiệu rõ ràng đến những kẻ cực đoan có ý định làm tổn hại lực lượng Mỹ được phái đến Afghanistan để hỗ trợ và huấn luyện cho binh sĩ nước chủ nhà. Dù vậy, ông Obama nhấn mạnh Washington vẫn duy trì chiến lược ở Afghanistan, theo đó không tham gia chiến đấu mà chỉ giúp người dân Afghanistan bảo vệ đất nước.
Đài CNN nhận định việc Mỹ quyết định tiêu diệt Mansour cho thấy tiến trình hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và Taliban những năm qua hầu như giậm chân tại chỗ cũng như khó có thể đạt được tiến triển gì cụ thể trong thời gian tới. Đàm phán thậm chí bị đình trệ sau vụ tấn công đẫm máu khiến 64 người thiệt mạng ở thủ đô Kabul vào tháng rồi.
Cũng như Mỹ, giới lãnh đạo Afghanistan cáo buộc Mansour cản trở Taliban ngồi vào bàn thương thảo, đồng thời bày tỏ hy vọng cái chết của hắn sẽ góp phần mang lại tiến trình hòa bình và ổn định lâu dài cho đất nước. “Một cơ hội mới đã mở ra cho những thành viên Taliban nào sẵn sàng chấm dứt chiến tranh và đổ máu” - Tổng thống Ashraf Ghani nhận định.
Phong trào Taliban ở Afghanistan giờ đây không chỉ như rắn mất đầu mà còn có thể đối mặt một cuộc tranh giành quyền lực mới giữa lúc nội bộ đang bị chia rẽ sâu sắc. Còn nhớ khi Mansour lên làm thủ lĩnh Taliban năm 2015, một nhân vật cao cấp tên Mullah Mohammad Rasool quyết định “ra riêng”, lập một nhóm có quan hệ gần gũi với Iran. Lo ngại nội bộ thêm rạn nứt, giới thủ lĩnh Taliban cho đến giờ vẫn chưa chính thức xác nhận Mansour thiệt mạng dù một số thành viên đã lên tiếng về điều này.
Song song đó, theo Reuters, hội đồng lãnh đạo Taliban ở Afghanistan đã bắt đầu nhóm họp để chọn người kế nhiệm. Một số ứng viên sáng giá là Sirajuddin Haqqani (phó tướng của Mansour), Mullah Mohammad Yaqoob (con trai người sáng lập Taliban Mullah Mohammad Omar), Mullah Abdul Qayyum Zakir (từng bị giam tại nhà tù vịnh Guantanamo) và Mullah Sherin.
Taliban thêm quá khích?
Một số nhà phân tích cho rằng cái chết của Mansour chắc chắn sẽ củng cố vị thế của Haqqani trong Taliban cũng như có thể khiến nhóm này thêm quá khích. “Nếu chỉ dựa vào hệ thống cấp bậc, Haqqani là ứng viên sáng giá nhất để kế nhiệm Mansour” - nhà nghiên cứu Michael Kugelman tại Viện Woodrow Wilson (Mỹ) nhận định. Một kết quả như thế chắc chắn sẽ khiến Mỹ và Afghanistan thêm đau đầu bởi Haqqani bị xem là kẻ đứng đằng sau những vụ tấn công đẫm máu nhất của Taliban. Washington xem mạng lưới Haqqani do y đứng đầu là một tổ chức khủng bố và treo giải thưởng 5 triệu USD cho cái đầu của tên này.
Theo đài CNN, cuộc không kích trên phần nào nêu bật thực tế rằng Taliban đang quay trở lại Afghanistan. Diện tích lãnh thổ nhóm này kiểm soát đang nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Mỹ lật đổ chính quyền Taliban sau sự kiện khủng bố 11-9-2001. Đáng lo hơn, cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đều tăng cường đáng kể sự hiện diện tại Afghanistan trong năm vừa qua. Giới chức Mỹ ước tính có đến 300 thành viên Al-Qaeda và từ 1.000-3.000 tay súng IS đang hoạt động tại quốc gia Nam Á này.
Trang Independent nhận định sự leo thang bạo lực ở Afghanistan cộng với sự hồi sinh của Taliban, sự trỗi dậy của Al-Qaeda và IS đồng nghĩa Washington khó có thể cắt giảm quân số vào đầu năm 2017 (từ 9.800 xuống còn 5.500 binh sĩ) như kế hoạch ban đầu. Lực lượng Mỹ tại Afghanistan hiện không chỉ tham gia hoạt động huấn luyện, cố vấn do NATO đứng đầu mà còn tiến hành sứ mệnh chống khủng bố nhằm vào các nhóm như IS, Al-Qaeda…
Bình luận (0)